Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re lên kế hoạch đẩy mạnh bán sản phẩm bảo hiểm thiên tai
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Swiss Re đang lên kế hoạch tăng doanh số bán bảo hiểm thảm họa tự nhiên, bất chấp hàng loạt các yêu cầu bồi thường nặng nề trong những năm gần đây.
Cùng với các công ty bảo hiểm khác, Swiss Re đã phải trả hàng tỷ đô la Mỹ để thanh toán các yêu cầu bồi thường do bão tố và cháy rừng ở Mỹ và siêu bão tàn phá ở Nhật Bản. Một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho biết biến đổi khí hậu sẽ khiến những loại sự kiện này xảy ra thường xuyên và gây nhiều thiệt hại hơn.
Tuy nhiên, ông Christian Mumenthaler, giám đốc điều hành của Swiss Re, cho biết hiện tại chính là thời điểm thích hợp để bán thêm nhiều sản phẩm bảo hiểm chống lại sự tàn phá của thiên tai.
“Ngành công nghiệp bảo hiểm đã chứng kiến những tổn thất lớn từ thảm họa thiên nhiên kể từ năm 2017,” ông nói với tờ Financial Times. “Chúng tôi thấy đây là một cơ hội để tăng trưởng.”
Tập đoàn Swiss Re chuyên về tái bảo hiểm – bán bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm khác muốn giảm thiểu rủi ro của chính họ. Ước tính quy mô của thị trường tái bảo hiểm thảm họa tự nhiên sẽ tăng từ 30 tỷ đô la Mỹ lên 40 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023.
Mức phí tăng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Những tổn thất lớn từ các thảm họa gần đây đã đẩy mức phí tái bảo hiểm ở một số thị trường tăng tới 20-30%. Và một số công ty bảo hiểm gốc như tập đoàn bảo hiểm Mỹ AIG đã cam kết mua thêm sản phẩm tái bảo hiểm nhằm giảm sự biến động trong hoạt động kinh doanh của chính họ.
Ông Mumenthaler cho biết, “Chúng tôi đã qua khỏi thời kỳ có rất ít tăng trưởng về nhu cầu bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm gốc đã phải tìm cơ hội tăng trưởng bằng cách giữ lại nhiều rủi ro hơn. . . vì vậy từ bây giờ trở đi, chúng tôi sẽ có cơ hội tăng trưởng nhiều hơn trong tương lai.”
Ông Mumenthaler cho biết sử dụng nguồn vốn của Swiss Re vào các hoạt động kinh doanh bảo hiểm thảm họa tự nhiên sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn so với phương án mua cổ phiếu quỹ để hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư.
Tháng trước, Swiss Re đã hủy bỏ phần thứ hai của kế hoạch mua lại cổ phần của mình trị giá tới 2 tỷ Franc Thụy Sĩ, với lý do tập đoàn cần nguồn vốn để tài trợ cho các cơ hội tăng trưởng và thanh toán các yêu cầu bồi thường.
“Biện pháp mua lại cổ phiếu quỹ là một công cụ chúng ta sẽ cần nếu chúng ta không thể triển khai dòng vốn, nhưng đó không phải là trường hợp này,” ông nói, và cho biết thêm rằng mảng kinh doanh bảo hiểm thảm họa tự nhiên sẽ mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Theo Swiss Re, tỷ suất hoàn vốn đầu tư của mảng kinh doanh này sẽ vào khoảng 18% trong năm nay.
Trong một bài thuyết trình trước các nhà đầu tư vào hôm qua thứ Hai, Swiss Re nói rằng dòng vốn được dùng để bảo hiểm cho các rủi ro về thảm họa tự nhiên – một chỉ số đại diện cho tổng giá trị các hợp đồng của tập đoàn trên thị trường – đã tăng 36% trong năm nay, tính đến tháng Sáu.
Tập đoàn cũng cho biết số lượng các hợp đồng bảo hiểm cho thảm họa tự nhiên được khai thác trong năm nay dự kiến sẽ tăng thu nhập trước thuế của tập đoàn thêm 150 triệu đô la Mỹ.
Ngành bảo hiểm đã bị khủng hoảng trong năm nay bởi sự tăng vọt các yêu cầu bồi thường cho một số thảm họa gần đây. Hiện tượng leo thang chi phí bồi thường – trong đó chi phí bảo hiểm ước tính của thảm họa sẽ tăng lên dần theo thời gian – đã trở thành một mối quan tâm lớn. Chẳng hạn, chi phí bồi thường của siêu bão Jebi năm 2018 tại Nhật Bản đã tăng hơn gấp đôi, kể từ khi đưa ra ước tính tổn thất ban đầu chỉ khoảng 6 tỷ đô la Mỹ.
Ông Mumenthaler cho biết, “Jebi là siêu bão lớn đầu tiên trong 20 năm qua, do đó, chúng tôi có ít kinh nghiệm hơn để đối phó. Các nhà khoa học của chúng tôi đang xem xét các mô hình, đặc biệt là các mô hình lũ lụt ở Nhật Bản. Đó là một quá trình học hỏi kinh nghiệm không ngừng. Chúng tôi đã thu thập được thêm nhiều dữ liệu mới.”
Ông Mumenthaler cho biết Swiss Re vẫn muốn chia tách công ty ReAssure, một công ty bảo hiểm nhân thọ có trụ sở tại Anh, là công ty mà Swiss Re nắm giữ 75% cổ phần. Công ty này đã hủy bỏ đợt niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) vào mùa hè năm nay, với mức định giá công ty lên tới khoảng 3 tỷ bảng Anh, do nhu cầu mua cổ phiếu yếu ớt của các nhà đầu tư.
“Công ty chiến lược Sao Bắc Đẩu cũng vậy – chúng tôi có kế hoạch chia tách các doanh nghiệp trong trung hạn,” ông nói. “Tất cả mọi phương án đều đang được xem xét.”
Nguồn: sưu tầm gg