'Lỗi bên tôi, công ty bảo hiểm bồi thường xe bên kia và sửa cả xe tôi'
Đinh Hoài Thu,
Bạn đọc ở Canada kể lại câu chuyện chị mua bảo hiểm và bị tai nạn xe hơi..
Cá nhân tôi đã liên quan đến hai vụ tai nạn tại Canada và thấy các thủ tục đơn giản. Vụ đầu tiên tôi không có lỗi nên bên gây tai nạn làm thủ tục bồi thường đầy đủ cho tôi.
Vụ thứ hai cách đây khoảng 7 năm, tôi bị xem là người có lỗi khi rẽ trái ở ngã tư, một chiếc xe khác tông vào xe tôi theo hình chữ T. Khi xảy ra tai nạn, tôi gọi cho công ty bảo hiểm để thông báo và mô tả tình huống. Theo những thông tin tôi cung cấp, họ nhận định tôi là bên có lỗi vì là người rẽ trái.
Cảnh sát đến hiện trường vụ tai nạn để thẩm định. Sau vài cuộc điện thoại, chúng tôi đưa ra lời khai của mình với công ty bảo hiểm, cảnh sát và người lái xe kia cũng làm như vậy.
Chúng tôi ký các văn bản liên quan. Công ty bảo hiểm sau đó xem xét các hư hỏng trên xe tôi nhằm làm thủ tục sửa chữa và thuê cho tôi một chiếc xe khác để sử dụng trong thời gian sửa xe.
Điều khoản bố trí xe thuê hoặc trả tiền taxi, tiền đi phương tiện công cộng nằm trong gói bảo hiểm vì tôi dựa vào phương tiện của mình để đi lại mỗi ngày. Công ty bảo hiểm của tôi cũng chi trả mọi chi phí sửa chữa cho phía bên kia do tôi là bên có lỗi.
Nhìn chung, dù tai nạn là điều không ai mong muốn, tôi thấy những thủ tục thanh toán bảo hiểm cho người liên quan đơn giản, dễ dàng và hợp lý.
May mắn cho tôi, công ty bảo hiểm của tôi có chính sách "bỏ qua", nghĩa là nếu bạn không vướng vào bất cứ vụ tai nạn nào (dù là lỗi của mình hay của người khác) trong vòng 6 năm kể từ khi mua bảo hiểm, thì vụ tai nạn đầu tiên này sẽ được bỏ qua và nó không ảnh hưởng đến số tiền của gói bảo hiểm khi gia hạn bảo hiểm về sau.
Về nguyên tắc, bên nào gây tai nạn thì công ty bảo hiểm bên đó có trách nhiệm bồi thường cho bên kia. Sau mỗi vụ tai nạn mà phần lỗi của mình, trong lần gia hạn bảo hiểm tiếp theo, giá gói bảo hiểm sẽ tăng lên.
Ngoại lệ được áp dụng trong trường hợp tai nạn xảy ra với xe không có bảo hiểm. Trong trường hợp đó, công ty bảo hiểm của tôi sẽ thanh toán mọi chi phí liên quan dù đó có phải là lỗi của tôi hay không.
Ở Canada, không cần có người của bên bảo hiểm có mặt tại hiện trường vụ tai nạn.
Khi xảy ra tai nạn, hoặc bạn gọi điện cho đường dây nóng, hoặc mở ứng dụng của công ty bảo hiểm trên điện thoại của mình và làm theo hướng dẫn từng bước như lấy điện thoại chụp hình vụ tai nạn, trao đổi số điện thoại, tên tuổi với người liên quan và nhân chứng của vụ việc (tên, số điện thoai, số xe, màu xe...).
Càng đầy đủ thông tin, yêu cầu bồi thường càng sớm được giải quyết. Hãng bảo hiểm có thể giúp bạn gọi đơn vị kéo xe về gara sửa xe. Trong nhiều trường hợp, công ty bảo hiểm ở đây có liên kết với các công ty sửa xe khắp toàn quốc.
Ở Canada, mua bảo hiểm xe là điều phổ biến, trong một số trường hợp là bắt buộc. Để làm hợp đồng, tôi phải thông báo cho phía công ty bảo hiểm thông tin về chiếc xe và lịch sử lái xe của bản thân.
Mới có bằng lái hoặc còn quá trẻ sẽ phải trả tiền bảo hiểm cao hơn vì nguy cơ gặp tai nạn của người này có thể cao hơn những tay lái nhiều kinh nghiệm.
Bị tai nạn: gọi ngay cho bảo hiểm
Theo luật pháp của bang California (Mỹ), mọi xe cộ đi lại trên đường đều phải có bảo hiểm. Nhìn chung ở Mỹ có hai loại bảo hiểm phổ biến nhất là bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm hai chiều.
Phần lớn mọi người tôi biết đều chọn cho mình bảo hiểm hai chiều, tức loại bảo hiểm không chỉ chịu trách nhiệm cho những hư hỏng và tổn thất của bên còn lại, mà còn sửa chữa xe cộ của mình trong trường hợp tai nạn xảy ra và lỗi nằm ở mình.
Thủ tục hành chính để được bảo hiểm bồi thường ở nước tôi khá đơn giản. Cảnh sát và chính quyền địa phương chỉ can thiệp khi có tai nạn nghiêm trọng, có người bị thương, cần điều tiết giao thông, hay một trong các bên liên lụy bỏ chạy khỏi hiện trường.
Trải nghiệm của mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào công ty bảo hiểm, nhưng trải nghiệm bồi thường của tôi khá tốt. Lần cuối tôi đã xử lý mọi thứ từ xa qua điện thoại vì sự cố của tôi cũng không quá nghiêm trọng.
Tôi chỉ ghi lại đầy đủ chi tiết của bên còn lại như họ tên, thông tin liên lạc và công ty bảo hiểm. Sau đó tôi báo cáo lại với công ty bảo hiểm của tôi chi tiết tai nạn.
Dù đôi khi thời gian chờ được bồi thường khá lâu, tôi chưa nghe câu chuyện nào về việc không được bồi thường bảo hiểm.
Bồi thường thường ở những dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất có lẽ là công ty bảo hiểm trực tiếp làm việc với nơi sửa chữa xe để bồi thường hỏng hóc, đưa séc hoặc tiền mặt.
Tôi đã lái xe riêng được khoảng 13 năm và luôn cố gắng báo cáo lại đầy đủ thông tin cho các công ty bảo hiểm, dù là sự cố nhỏ nhất để tránh rắc rối về sau.
Trong nhiều trường hợp, vì không báo sự cố với bảo hiểm, thông thường do bản thân người bị liên lụy nghĩ đó là sự cố nhỏ không cần phải để tâm tới, mà gây ra nhiều rắc rối về sau.
Điều này chủ yếu tránh các trường hợp người bị nạn phóng đại câu chuyện để lợi dụng bên còn lại chi trả các hóa đơn y tế, sửa chữa xe cộ...
ANDREW HILL (người Mỹ) - Hà My ghi
Theo: tuoitre.vn