Những gương mặt mới ngành bảo hiểm

(ĐTCK) Thời điểm đầu năm mới 2022, cùng với việc đánh giá hoạt động kinh doanh 2021 cũng như chuẩn bị kế hoạch hoạt động 2022, nhân sự thượng tầng ở nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng có sự thay đổi.

Tấp nập kẻ đến, người đi

Ông Paul Nguyễn vừa chính thức thôi giữ chức danh Tổng giám đốc (CEO) Aviva Việt Nam sau hơn 3 năm nắm giữ. Trong thư tạm biệt, ông viết: “Đây thực sự là một quyết định khó khăn, khi tôi nhận được hỗ trợ bởi một đội ngũ cộng sự nhiệt tình, tận tâm và đầy cảm hứng suốt thời gian qua. Tôi luôn yêu thích công việc của mình, được làm việc cùng các bạn và cộng tác cùng một đội ngũ lãnh đạo tài năng, nhưng đây là lúc tôi sẽ nói lời tạm biệt. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Randy Lianggara vì tầm nhìn và cam kết của ông đối với sự phát triển của Tập đoàn, đến các bạn đồng nghiệp Aviva Việt Nam vì sự tận tâm và chuyên nghiệp trong công việc…”.

Một công ty bảo hiểm nhân thọ khác cũng mới bổ nhiệm CEO mới là Chubb Việt Nam sau một thời gian dài dấu ấn người đứng đầu gắn liền với cái tên Lâm Hải Tuấn trên cả 2 cương vị quản trị và điều hành.

Theo đó, ông Nguyễn Hồng Sơn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam thay cho ông Lâm Hải Tuấn kể từ ngày 17/12/2021.

Gần đây nhất, ông Sơn đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của Chubb Life Myanmar sau hơn 16 năm làm việc tại Chubb Life - bộ phận Bảo hiểm nhân thọ toàn cầu của Tập đoàn Chubb (Mỹ), trong đó hơn 14 năm giữ chức danh Phó tổng giám đốc thường trực bộ phận này. Ông Lâm Hải Tuấn vẫn sẽ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Chubb Life Việt Nam, đồng thời được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch điều hành theo chính sách của Tập đoàn Chubb.

Ở khối phi nhân thọ, ông Lê Quốc Bình thôi giữ chức Tổng giám đốc Bảo hiểm Xuân Thành sau gần 3 năm tại nhiệm (ông Bình giữ chức Tổng giám đốc thay ông Đoàn Nguyên Ngọc kể từ ngày 9/1/2019). Cùng với đó, ông Nguyễn Quang Thương sau một thời gian rời Bảo hiểm Xuân Thành cũng đã quay trở lại trên cương vị Phó tổng giám đốc Công ty.

Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), ông Bùi Trung Kiên cũng đã thôi giữ chức danh Tổng giám đốc. Trong bối cảnh còn trống ghế CEO, Phó tổng giám đốc Lê Hoài Nam được giao phụ nhiệm vụ điều hành hoạt động của BSH.

Tại Công ty TNHH Bảo hiểm Liên hiệp (UIC), ông Nguyễn Thành Nam được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên thay bà Trần Thị Thanh Hương từ ngày 24/12/2021.

Trước đó một ngày (23/12/2021), Công ty TNHH Bảo hiểm Samsung Vina công bố thay đổi nhân sự cấp cao với việc ông Ye Young Hae giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty, thay thế ông Noh Kyu Suk.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) mới bổ nhiệm thêm 2 phó tổng giám đốc là ông Hoàng Mạnh Huyên và ông Đỗ Phúc Hiệp. Đây là 2 nhân sự cấp cao gắn bó với PTI nhiều năm qua, trong đó ông Huyên từng nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm LaneXang (LAP) - một thành viên của PTI tại Lào và có nhiều đóng góp cho Công ty khi ở vai trò trợ lý Tổng giám đốc PTI.

Đằng sau mỗi cuộc đến và đi của các sếp bảo hiểm đều ẩn chứa những lý do riêng. Bên cạnh những CEO muốn nghỉ ngơi sau thời gian dài cống hiến, muốn được thay đổi môi trường mới…, thì cũng có người cả năm không được làm gì, công ty đóng cửa nhiều văn phòng, dịch vụ chăm sóc khách hàng đi xuống, chỉ ngồi chơi và chờ ngày sa thải.

Có người phải từ nhiệm do sức ép từ cấp dưới, thậm chí nhóm nhân viên này còn tới tận nhà riêng của CEO treo băng rôn, khẩu hiệu đòi quyền lợi vì không được trả thu nhập, thưởng (tổng số tiền lên tới tiền tỷ) như đã cam kết. Trước đó, vị CEO này phát động chương trình thi đua, hứa hẹn sẽ thưởng lớn, tổ chức đi du lịch, tiệc cuối năm... cho đội ngũ kinh doanh dưới quyền nếu đạt doanh số cao, nhưng sau đó thất hứa.

Hướng tới “nhân sự số”

Dù không chịu quá nhiều tiêu cực như những lĩnh vực ngành nghề khác, song nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng không khỏi lao đao vì bệnh dịch suốt 2 năm qua và việc thay đổi người lãnh đạo, điều hành cũng là một cách để vực dậy doanh nghiệp cũng như làm tươi mới hoạt động công ty, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0 bùng nổ và hầu hết công ty bảo hiểm đều lựa chọn chuyển đổi số là giải pháp tối ưu để cải thiện hiệu quả kinh doanh như hiện nay.

Đơn cử, tại PTI, trong số 2 phó tổng giám đốc mới được bổ nhiệm, ông Đỗ Phúc Hiệp từng là Giám đốc Ban Công nghệ thông tin, gia nhập PTI từ năm 2010 và có nhiều đóng góp trong quá trình chuyển đổi số thời gian qua. Trên cương vị mới, ông Hiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược số hóa tại PTI diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, với tham vọng đưa PTI trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng lượng dịch vụ, sản phẩm.

Tại Bảo hiểm Bảo Việt, những kết quả tích cực đạt được thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của CEO Nguyễn Xuân Việt với chiến lược đẩy mạnh số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả kinh doanh, chẳng hạn việc phát triển phần mềm Quản lý bồi thường trên điện thoại di động - ứng dụng Baoviet Direc, giúp việc tương tác, giải quyết quyền lợi bảo hiểm của khách hàng trở nên dễ dàng hơn...

Trên thực tế, ông Việt từng phụ trách mảng công nghệ thông tin của Bảo hiểm Bảo Việt trong nhiều năm, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO từ đầu năm 2018. Năm 2021, Bảo hiểm Bảo Việt là công ty bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất nhận được giải thưởng Sáng kiến bảo hiểm số của năm 2021 ((Digital Insurance Initiative of the Year - Việt Nam) do Insurance Asia Awards 2021 trao tặng.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố ngày 29/12/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 ước đạt 214.958 tỷ đồng (tăng 15,59% so với cùng kỳ năm 2020); chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.561 tỷ đồng (tăng 1,68%).

Năm 2022, toàn ngành bảo hiểm đặt chỉ tiêu khá thách thức với 253.730 tỷ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 18,04% so với năm 2021; chi trả quyền lợi bảo hiểm là 58.291 tỷ đồng, tăng 17,61%. Bởi vậy, áp lực của người lãnh đạo công ty trong việc vừa đảm bảo hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra, vừa chăm sóc tốt khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường là không nhỏ.

Theo đó, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường các kênh bán hàng trực tuyến, kênh môi giới cũng được các doanh nghiệp tập trung hơn. Năm 2022, dự kiến tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 14.513 tỷ đồng, tăng 14,15% so với năm 2021; doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm năm 2022 ước đạt 1.107 tỷ đồng, tăng 11,8%.

Năm 2021, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 12.715 tỷ đồng (tăng 14,8% so với năm 2020), trong đó phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 7.499 tỷ đồng (tăng 8,76%). Tổng doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm năm 2021 ước đạt 990 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2020.
 

Theo báo Đầu tư chứng khoán