Sau vụ cháy ở Rạng Đông, nhìn lại khâu bán bảo hiểm và bồi thường cháy nổ
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu như nguyên nhân vụ cháy nằm trong phạm vi bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm sẽ chỉ nằm trong hạn mức trách nhiệm doanh nghiệp đã mua, phần vượt quá hạn mức trách nhiệm, doanh nghiệp sẽ phải tự bỏ chi phí chi trả.
Bảo hiểm trách nhiệm công cộng là bảo hiểm cho mọi rủi ro về người và tài sản của bên thứ ba bị thiệt hại bởi những tác động từ tổn thất của doanh nghiệp gây ra.
Ðược biết, trong vụ cháy Chung cư Carina vào tháng 3/2018, Công ty Hùng Thanh có mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng, một loại hình bảo hiểm cho bên thứ ba của bảo hiểm PVI.
Nhưng mức bồi thường tối đa chỉ là 500 triệu đồng, trong đó mỗi nạn nhân liên quan tối đa cũng chỉ được bồi thường 20 triệu đồng và tổng mức chi trả thiệt hại về người không quá 200 triệu đồng.
Ngoài ra, Bảo hiểm PVI còn là nhà bảo hiểm tài sản của chung cư (357 tỷ đồng) và bảo hiểm một số xe ô tô để dưới hầm xe trong thời gian bị cháy.
Doanh thu mỗi hợp đồng bảo hiểm cháy nổ khá lớn, nhưng mỗi vụ tổn thất xảy ra, bồi thường thiệt hại thường có số tiền lên tới cả trăm tỷ đồng.
Chính vì thế, nếu không kiểm soát được rủi ro thì dù có nhượng tái bảo hiểm một tỷ lệ nhất định cho các dịch vụ này (theo quy định), nhằm giảm tổng chi phí bồi thường của bảo hiểm trong sự kiện bảo hiểm, nghiệp vụ này có thể trở thành gánh nặng chi phí cho các công ty bảo hiểm.
Cách đây vài năm, Bảo hiểm Bảo Minh đã phải chi trả 243 tỷ đồng cho vụ hỏa hoạn xảy ra tại kho chứa nguyên liệu thuốc lá của Công ty cổ phần Ngân Sơn ( NST) vào ngày 19/8/2015 tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Vụ cháy đã làm tổn thất khoảng 4.000 tấn nguyên liệu thuốc lá, thành phẩm lá đã tách cuống, ước tính theo giá gốc là 313 tỷ đồng; kho lạnh thành phẩm và kho nguyên liệu bị hư hại kết cấu thiệt hại 3,7 tỷ đồng…
Một vụ bồi thường có hỏa hoạn có giá trị cả trăm tỷ đồng khác được thị trường ghi nhận sau khi có phán quyết chính thức của tòa án là vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Bibica và PVI.
Năm 2011, một dây chuyền của nhà máy Bibica bị hỏa hoạn, nhưng trải qua một thời gian đàm phán kéo dài, mà 2 bên vẫn không thống nhất được giá trị bồi thường, nên Bibica đã khởi kiện.
Năm 2016, qua hai cấp xét xử, tòa phúc thẩm ra phán quyết, số tiền mà PVI phải trả cho Bibica là 115 tỷ đồng.
Ngoài những khoản bồi thường của doanh nghiệp (người dân chứng minh được thiệt hại về sức khỏe cũng như tài sản vụ cháy gây ra) thì các đối tượng bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn nếu đã mua các loại hình bảo hiểm khác sẽ được bồi thường đầy đủ.
Trong vụ cháy Chung cư Carina vào tháng 3/2018, ngoài nhà bảo hiểm PVI bảo hiểm 3 hạng mục cho khu chung cư thì PTI cũng đã chi trả bồi thường cho 5 khách hàng tham gia mua bảo hiểm với số tiền hơn 100 triệu đồng/khách hàng trong vòng vài ngày sau khi xảy ra vụ cháy.
Về trường hợp cháy vừa qua tại Rạng Ðông, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, người dân nếu mua bảo hiểm khác cho các tài sản như bảo hiểm nhà, bảo hiểm xe và bảo hiểm sức khỏe thì sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả số tiền bồi thường cho các thiệt hại liên quan đến tổn thất, mà chưa cần chờ đến kết luận điều tra của cơ quan chức năng.
Vì theo quy định của các hợp đồng bảo hiểm, những tổn thất xảy ra từ nguyên nhân khách quan sẽ thuộc phạm vi bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất này.
Sau khi bồi thường cho khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nhận “thế quyền” của khách hàng để đi đòi bồi thường từ các công ty hoặc cá nhân gây ra thiệt hại.