Doanh nghiệp bảo hiểm, cạnh tranh thị phần vẫn phải đảm bảo cổ tức
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Tại ĐHCĐ Tổng CTCP Bảo hiểm bưu điện (PTI) mới đây, đại diện cổ đông VN Post, ông Đỗ Ngọc Bình đề nghị: “Việc cạnh tranh trong Top 5 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ngày một khốc liệt, PTI cần rút ngắn khoảng cách để có sự dịch chuyển thứ hạng cao hơn”.
Đáp lời, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PTI cho hay, PTI có đủ sức để vươn lên vị trí thứ tư nhưng lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề cổ tức cho cổ đông, vì vậy việc tăng thị phần cũng cần được cân đối hài hòa với quyền lợi của các cổ đông.
Thực tế cũng cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, PTI đã vượt qua PJICO, vươn lên vị trí thứ tư thay vì vị trí số năm như năm ngoái, theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý & Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Chưa kể, năm 2014, với riêng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, PTI đã vươn lên vị trí số 2 (trong khi trước đó, vị trí này luôn được PJICO duy trì đều đặn qua các năm).
Quan điểm trên của ông Nguyễn Anh Tuấn cũng khá dễ hiểu, bởi trước năm 2015, định hướng chiến lược của PTI được cho là phát triển theo chiều rộng, còn từ năm 2015 lại là phát triển theo chiều sâu. Bởi vậy, việc bảo đảm hiệu quả kinh doanh và quyền lợi của cổ đông là vấn đề cần được coi trọng.
Còn tại CTCP Bảo hiểm Bảo Minh, ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch Bảo Minh thừa nhận doanh nghiệp này đang bị sụt giảm thị phần. “Dù trên tổng thể, hoạt động kinh doanh của Bảo Minh đã dần qua khỏi giai đoạn khó khăn và bắt đầu đạt những kết quả tích cực, nhưng tốc độ tăng trưởng so với thị trường còn thấp, doanh thu tại các thị trường lớn như TP.HCM và Hà Nội tăng trưởng chậm. Hiện thị phần của Bảo Minh đã giảm xuống chỉ còn 9,12% - cách rất xa Bảo hiểm PVI (21,26%) và Bảo hiểm Bảo Việt (20,89%)”, ông Đức cho biết.
Dẫu thị phần giảm sút nhưng Bảo Minh vẫn phải dung hòa lợi ích tăng trưởng với hiệu quả. Vị Chủ tịch Bảo Minh cho biết, năm 2015 sẽ nâng cao doanh thu đối với nhóm nghiệp vụ có hiệu quả kinh doanh cao, hạn chế các nhóm nghiệp vụ có hiệu quả kinh doanh thấp mà mức độ rủi ro cao qua các năm.
“Năm 2015, Bảo Minh vẫn kiên định mục tiêu hiệu quả, tăng trưởng và tiếp tục đổi mới với mức tăng trưởng trên 7% doanh thu phí bảo hiểm, ước đạt 3.113 tỷ đồng, có lãi cao về hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc cùng hoạt đồng đầu tư an toàn hiệu quả cao nhất’, ông Đức nói.
Giữ vững vị trí số 1 đi đôi với việc kinh doanh hiệu quả cũng là thử thách đặt ra với Bảo hiểm PVI trong năm nay. Còn đối với DN khác như PJICO, BIC, MIC, BSH, Xuân Thành..., các công ty này phải song hành bài toán tăng trưởng cao với hiệu quả thông qua mức chi trả cổ tức cho cổ đông. Thậm chí, DN còn phải hi sinh doanh thu để tập trung phát triển bền vững.
“Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 của BIC lên tới gần 20%/năm, cao hơn hẳn các công ty thuộc Top 5 nhưng vẫn thấp hơn MIC và Samsung Vina. Đó là do chính sách tăng trưởng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ rủi ro để đảm bảo hiệu quả, giảm tỷ lệ bồi thường, không chạy theo doanh thu đơn thuần”, lãnh đạo BIC cho hay.
Trước đây, mục tiêu mà BIC đặt ra cho năm 2011- 2015 là có mặt trong Top 5. Tuy nhiên, sau 2 năm vươn lên giữ vị trí thứ 6 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc trong các năm 2010, 2011 thì từ năm 2012 đến nay, BIC đã tụt xuống vị trí thứ 7, có lúc là thứ 8 (sau cả MIC, còn Samsung Vina đứng thứ 6). Lãnh đạo BIC cũng thừa nhận với mục tiêu nâng cao hiệu quả, tốc độ tăng doanh thu của BIC đã chậm lại trong khi Samsung Vina và MIC vẫn vươn lên mạnh mẽ, khiến BIC đã mất vị trí thứ 6 về thị phần bảo hiểm gốc.
Không chỉ phải cân đối giữa mục tiêu thị phần với chỉ tiêu cổ tức, các DNBH còn phải tính đến hệ quả từ tăng vốn điều lệ với chỉ tiêu cổ tức. Ngoài những DNBH tăng vốn để đảm bảo theo quy định của luật thì tăng vốn nhằm tăng thị phần cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm cân đối hài hòa với lợi ích của cổ đông.
Như tại Bảo Minh, dù vốn điều lệ thực góp tại DN này năm 2014 đạt mức tăng không nhiều (tăng từ 755 tỷ lên 830,5 tỷ đồng) nhưng lại đặt ra một áp lực kinh doanh lớn cho Ban lãnh đạo Công ty. Bởi nếu như các năm trước, cùng với mức chia cổ tức là 10% thì DN này chỉ cần đến lượng tiền lãi là 75,5 tỷ đồng. Nhưng với vốn điều lệ mới, nếu chia cổ tức ở mức 10% thì phải cần đến lượng tiền là 83,05 tỷ đồng (tăng gần 10 tỷ đồng).
Vì vậy, đại diện Bảo Minh cho rằng để đảm bảo cổ tức ở mức 10%, cùng với việc tăng trưởng doanh thu và thị phần là phải nâng cao hiệu quả, đây thực sự là một áp lực trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt.