Bảo hiểm trách nhiệm công cộng nhìn từ vụ cháy nhà máy Rạng Đông

Vụ cháy nổ ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Ðông (Hà Nội) vừa qua là cơ hội để nhìn lại những nhà máy, doanh nghiệp sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến môi trường khi xảy ra sự cố, ngoài việc mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm cho hàng hóa thì có cần mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng hay không?

Theo thống kê sơ bộ (chưa có số thống kê chính thức) của các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ tính đến thời điểm hiện tại không cao bằng năm ngoái, dù doanh thu phí bảo hiểm tăng cao, bình quân tăng khoảng 20 – 30% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân doanh thu phí bảo hiểm tăng là do Nghị định 23/2018/NÐ-CP đã có hiệu lực được 1 năm, quy định về việc phải mua bảo hiểm các loại hình cháy nổ. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao nhận thức được ý nghĩa của bảo hiểm trong việc phòng ngừa rủi ro.

Ngoài ra, Nghị định 23 quy định mức phí tăng khá cao so với trước đây, tùy vào ngành nghề kinh doanh mà có mức tăng khác nhau, nhưng mức tăng bình quân khoảng 30%.

Thực tế, bảo hiểm cháy nổ là nghiệp vụ có mức độ tổn thất cao nếu xảy ra sự kiện bồi thường. Chính vì thế, với những mặt hàng thuộc rủi ro cat 3, cat 4 (mức độ rủi ro cao), các doanh nghiệp bảo hiểm thường thận trọng khi nhận đơn bảo hiểm. Bản thân những loại hình bảo hiểm thuộc rủi ro cat 3, cat 4 luôn được các nhà tái bảo hiểm cảnh báo, từ nâng phí tái tới từ chối nhận tái.

Về vụ cháy ở nhà máy Rạng Ðông, theo tìm hiểu ban đầu của phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, hãng bảo hiểm PVI là nhà bảo hiểm cho nhà máy.

Tuy nhiên, thông tin chi tiết về số tiền bảo hiểm, hạng mục bảo hiểm… chưa được tiết lộ. Hai bên vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân xảy ra tổn thất cũng như giá trị thiệt hại của vụ cháy.

Vụ cháy ở Rạng Ðông cũng đặt ra một vấn đề là với những nhà máy mà khi rủi ro hỏa hoạn xảy ra có nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng rất cao, vậy ngoài bảo hiểm cháy nổ, số hàng hóa trong nhà máy có thể đã được mua bảo hiểm nhưng bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho quá trình sản xuất độc hại có hay không? Và có doanh nghiệp nào mua thêm bảo hiểm này không?

Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chính là bảo hiểm trách nhiệm công cộng. Loại bảo hiểm này sẽ bảo hiểm cho mọi rủi ro về người và tài sản của bên thứ ba bị thiệt hại bởi những tác động từ tổn thất của doanh nghiệp gây ra.

Trường hợp của Rạng Ðông, nếu công ty này mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường những thiệt hại về sức khỏe cho người dân xung quanh nếu các hộ dân chứng minh được ảnh hưởng của khói bụi đến sức khỏe.

Lưu ý, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu như nguyên nhân vụ cháy nằm trong phạm vi bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm sẽ chỉ nằm trong hạn mức trách nhiệm doanh nghiệp đã mua, phần vượt quá hạn mức trách nhiệm, doanh nghiệp sẽ phải tự chi trả.

Tuy nhiên, rất khó để quy định doanh nghiệp phải mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng cùng bảo hiểm cháy nổ, bởi bản thân sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đã khó triển khai, nếu cộng thêm trách nhiệm công cộng thì sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Ở góc độ doanh nghiệp bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp ủng hộ quan điểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng cùng bảo hiểm cháy nổ. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp và cộng đồng, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp bảo hiểm khai thác thêm phí bảo hiểm.

“Trường hợp của Rạng Ðông khiến nhiều người nghĩ đến bảo hiểm trách nhiệm, nhưng cần nhìn nhận vấn đề thực chất ở đây là gì. Liệu một doanh nghiệp sản xuất với nhiều nguyên liệu độc hại ở giữa một khu dân cư có hợp lý về quy hoạch? Việc bắt buộc mua bảo hiểm đối với một sản phẩm nào đó đương nhiên cần cân nhắc kỹ, vì sẽ làm tăng chiphí của doanh nghiệp. Thậm chí, những trường hợp rủi ro cao cũng không phải những dịch vụ doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Bảo hiểm trách nhiệm công cộng hình thành dựa trên lập luận là hoạt động đặc thù của mỗi cá nhân, tổ chức được tiến hành trên trên một địa bàn cụ thể và họ có trách nhiệm đối với những người đi vào địa phận của mình.
 
Ví dụ: chủ cửa hàng phải bồi thường cho thương tích của khách hàng khi bị hàng hóa trên giá rơi trúng người; cơ sở đào tạo phải bồi thường khi quạt trần rơi trúng đầu thí sinh dự thi; chủ khách sạn phải bồi thường thiệt hại trong sự cố thang máy; người trông coi bãi gửi xe có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đèn xe vỡ trong thời gian gửi… Các loại trách nhiệm đó được gọi là trách nhiệm công cộng