Bảo hiểm du lịch: Khách hàng cần quan tâm nhiều hơn
Đinh Hoài Thu,
Hiện có nhiều loại hình bảo hiểm du lịch (BHDL) như bảo hiểm khách du lịch trong nước, bảo hiểm người Việt Nam du lịch nước ngoài, bảo hiểm người nước ngoài du lịch Việt Nam, BHDL nhóm, BHDL cho người mang thẻ tín dụng… BHDL được đánh giá ngày càng đa dạng, tiện lợi hơn, độ tuổi được mua BHDL được nới rộng, từ 6 tuần tuổi đến tối đa 85 tuổi, thời hạn tối đa 180 ngày.
Quyền lợi người được bảo hiểm cũng đa dạng hơn, có quy định rõ ràng, dễ hiểu. Ngoài hỗ trợ chi phí y tế, tai nạn cá nhân, mất hành lý, giấy tờ thông hành, nhiều công ty còn bổ sung thêm các quyền lợi mới trong hợp đồng như: hỗ trợ các trường hợp mất tiền, chi phí thăm bệnh ở nước ngoài dành cho người thân, mất mát hoặc thiệt hại do hỏa hoạn đối với tài sản nội thất tại nơi cư trú, rủi ro thiên tai, bị khủng bố khi đi du lịch, bồi thường gấp đôi số tiền bảo hiểm khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng, trợ cấp học phí cho trẻ phụ thuộc. Bên cạnh đó, có công ty còn bồi thường các chi phí để xin cấp lại các giấy tờ bị mất cũng như các chi phí hợp lý phát sinh do ăn ở, đi lại trong thời gian này.
Một số công ty bảo hiểm cho những hoạt động mang tính chất nguy hiểm như đi khảo sát, thám hiểm, biểu diễn nguy hiểm (đua xe, đua ngựa, đua thuyền), thi đấu có tính chất chuyên nghiệp các môn bóng đá, đấm bốc, leo núi, lướt ván… Tuy nhiên, loại bảo hiểm này chỉ dành cho đối tượng mua bảo hiểm du lịch trong nước.
Bên cạnh các công ty bảo hiểm, các công ty lữ hành cũng có gói BHDL. Hiện chi phí mức bảo hiểm khá thấp, chẳng hạn như chi phí bảo hiểm thấp nhất chỉ 1.500 đồng/người/ngày nhưng được đền bù tối đa khi có tai nạn xảy ra là 10 triệu đồng; các mức bảo hiểm3.000 đồng/người/ngày, 4.500 đồng/người/ngày sẽ có mức bồi thường cao hơn.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông Công ty TST Tourist - thông tin, khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam mua tour thường hỏi tỉ mỉ về giá trị bảo hiểm cũng như quyền lợi được hưởng nếu chẳng may xảy ra sự cố, còn du khách Việt Nam thường chỉ mua cho có hoặc nếu đi du lịch theo tour thì phó mặc cho công ty lữ hành. Đa phần khách Việt không quan tâm đến bảo hiểm mình mua thuộc công ty nào, những hạng mục trong bảo hiểm gồm có những gì.
Theo giám đốc kinh doanh một công ty bảo hiểm, nhiều người sau khi mua BHDL về hành lý đinh ninh rằng sẽ được phía bảo hiểm đền bù trong mọi trường hợp mất hành lý, từ đó có tâm lý không bảo quản kỹ hành lý của mình, thậm chí cố tình làm mất hành lý để được bồi thường. Trong khi đó, khách hàng chỉ được bảo hiểm về hành lý trong các trường hợp cháy, nổ, phương tiện chuyên chở bị đâm va, chìm, lật đổ, rơi và mất nguyên kiện hành lý gửi theo chuyến hành trình.
Các trường hợp không được bồi thường những thiệt hại hành lý gồm: mất vàng, đá quý, kim loại quý, tiền mặt, séc, hộ chiếu, bằng lái xe, vé các loại, chứng từ có giá trị như tiền, bản vẽ, bản thiết kế; đồ vật bị xây xát, ướt, mà không làm mất chức năng của nó; đồ mà cơ quan chức năng có thẩm quyền trưng thu, cầm giữ hoặc tịch thu…
Các công ty bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường đối với các vật dụng bị mất mà không có giấy tờ xác nhận, tức là khách hàng phải cung cấp tất cả chi tiết bao gồm hóa đơn ghi rõ ngày mua, giá, mẫu mã và loại sản phẩm bị mất hay bị thiệt hại. Bên cạnh đó, khách còn phải có văn bản xác nhận khi tài sản bị mất hay tổn thất xảy ra trong quá trình quá cảnh; các thông báo tổn thất tới các cơ quan liên quan có thẩm quyền phải được thực hiện trong vòng 24 giờ kể từ khi sự cố xảy ra.
Theo vị giám đốc này, khách hàng định du lịch mạo hiểm phải lưu ý rằng, nhiều hợp đồng bảo hiểm không bao gồm các môn thể thao mạo hiểm, nên cần chắc chắn rằng, hoạt động trên được đề cập trong hợp đồng bảo hiểm mình mua. Những địa điểm được xác định có tính rủi ro cao thường sẽ không được bảo hiểm; nếu vẫn có ý định tới những khu vực này, cần lựa chọn gói bảo hiểm có điều khoản bồi thường trong các trường hợp bị tấn công bằng vũ khí hóa học, hạt nhân hay sinh học. Một số hợp đồng bảo hiểm chỉ kéo dài tối đa 120 ngày chứ không phải 180 ngày; nếu quyết định đi lâu hơn thì nên tìm hiểu thời gian của bảo hiểm.
Dù các gói BHDL đều có điều khoản bồi thường cho tai nạn hoặc bệnh tật nhưng BHDL không có khả năng thay thế cho gói bảo hiểm sức khỏe toàn diện và không có khả năng hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh một cách tối đa. Nếu muốn có gói bảo hiểm sức khỏe toàn diện, cần chọn các gói cung cấp dịch vụ cứu nạn y tế khẩn cấp.
Nhiều người thường không nghĩ đến khả năng mắc bệnh như hen suyễn, chàm eczema hoặc các bệnh mạn tính khác trong kỳ nghỉ. Để tránh tốn kém, cần chọn gói bảo hiểm đồng ý chi trả cho việc khám bệnh ở nước ngoài chứ không phải là gói bảo hiểm tai nạn, bệnh tật ở nước ngoài.
Đã có trường hợp bất ngờ bị đau dạ dày, công ty bảo hiểm cho rằng đó là bệnh mạn tính nên không đồng ý chi trả và chỉ chi trả trong các trường hợp bệnh cấp tính như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai nạn bất ngờ. Nếu du lịch nước ngoài và có nhu cầu thuê xe hơi hoặc xe máy, cần mua bảo hiểm hỗ trợ thêm về các vấn đề phát sinh đột xuất, như không may gặp tai nạn gây thiệt hại về xe.
Trước khi đặt bút ký mua bảo hiểm cần phải đọc kỹ các điều khoản quy định. Nên đặt ra câu hỏi: trong trường hợp nào sẽ được bảo hiểm đền bù; để được đền bù, cần thủ tục gì.
(Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam)