“Đại dương xanh” cho mảng bảo hiểm vi mô
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Nửa đêm thứ Bảy, ngày 17/12/2016, ông Brandon - khách hàng của Hãng bảo hiểm Lemonade bị mất áo khoác lông ngỗng Canada hiệu Langford Parka, giá hơn 900 USD. Sau 6 ngày tìm kiếm, ông quyết định đòi Lemonade bồi thường chiếc áo.
5 giờ 43 phút chiều thứ Sáu ngày 23/12, ông mở ứng dụng AI Jim của Lemonade trên iPhone, nhập thông tin khiếu nại và mô tả diễn biến sự việc (hết 61 giây). 5 giờ 49 phút 7 giây, ông Brandon ấn nút “Gửi khiếu nại” (Submit). Khoảng 3 giây sau, lúc 5 giờ 49 phút 10 giây, khiếu nại của Brandon được thanh toán.
Như vậy, trong khoảng thời gian 3 giây, AI Jim claim bot đã thực hiện hàng tỷ phép tính, xử lý các công việc như: Đánh giá khiếu nại, kiểm tra chéo với hợp đồng bảo hiểm của Brandon, chạy các thuật toán phát hiện trục lợi bảo hiểm, quyết định chấp nhận bồi thường, gửi lệnh thanh toán đến nhà băng với giá trị 729 USD (áo của Brandon được bảo hiểm với mức khấu trừ là 250 USD) và gửi phản hồi chấp nhận bồi thường.
Đây là câu chuyện được ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ mới đây tại cuộc nói chuyện với các sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Lemonade của Mỹ là doanh nghiệp công nghệ bảo hiểm (Insurtech) chuyên bán các sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực tài sản cá nhân, hộ gia đình qua mạng và giải quyết bồi thường cũng qua mạng.
“Phí bảo hiểm cho áo của Brandon là 5 USD/tháng, rẻ hơn khoảng 82% so với phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống”, ông Dũng nói và nhấn mạnh, việc tìm kiếm, phát triển sản phẩm ở các phân khúc ngách với phương thức duyệt hợp đồng, chi trả bồi thường nhanh gọn như vậy không chỉ là “sân chơi” độc quyền của các hãng bảo hiểm tại nước ngoài, mà sắp tới sẽ trở thành xu hướng tại Việt Nam.
Thực tế, trong vài năm gần đây, khái niệm bảo hiểm vi mô (micro insurance) đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam, tạo ra một “đại dương xanh” để các doanh nghiệp phát triển thị trường ngách, tránh sự cạnh tranh trực tiếp. Bảo hiểm vi mô thực chất là dòng sản phẩm bảo hiểm với quyền lợi đơn giản, mức phí thấp, được bán cho số đông và không phải thẩm định hay kiểm tra trước khi cấp đơn.
Trước đây, bảo hiểm vi mô thường được xây dựng cho người nghèo nhằm giúp họ có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ bảo hiểm với mức phí rất nhỏ, nhưng hiện nay, khái niệm này đã không còn chính xác. Bảo hiểm vi mô ngày nay được xây dựng dành cho tất cả đối tượng khách hàng, bao gồm tầng lớp trí thức có thu nhập khá tại các thành phố. Sản phẩm được đóng gói đơn giản đến mức chỉ cần click chuột, khách hàng đã hoàn thiện được việc mua hàng, cũng như nhận tiền bồi thường.
Theo các chuyên gia, đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có mức độ cạnh tranh khốc liệt, chủ yếu tập trung vào các dòng sản phẩm truyền thống lâu đời như bảo hiểm xe cơ giới, con người, tài sản kỹ thuật, hàng hải. Hiện tại, do đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô là mức phí khá nhỏ nên việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn, tốn thời gian và nhân lực. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời chưa mặn mà với dòng sản phẩm này.
Để khắc phục được các hạn chế, tại nhiều nước phát triển, doanh nghiệp bảo hiểm thường xây dựng các dòng sản phẩm trên nền tảng online để khách hàng có thể tự động đóng phí, thậm chí không cần đến giấy chứng nhận bảo hiểm mà các quyền lợi bồi thường vẫn được đảm bảo thực hiện nhanh chóng.
Tại Việt Nam, một ví dụ của sản phẩm bảo hiểm vi mô là Fast protection mà PTI đang xây dựng độc quyền cho phần mềm đặt xe Fastgo. Sản phẩm này bảo hiểm cho khách hàng theo mỗi chuyến đi, với mức phí chỉ 2.000 đồng/chuyến, số tiền bảo hiểm tối đa có thể lên đến 200 triệu đồng.
Khi lên xe, khách hàng chỉ cần xác nhận tham gia là đã được PTI bảo vệ cho toàn bộ hành trình mà không cần đến bất kỳ giấy chứng nhận bảo hiểmnào. Hoặc dòng sản phẩm bảo hiểm tai nạn được đóng gói cho các khách hàng của các công ty viễn thông: Bảo Tâm An (Bảo Long), Bảo An Khang (PTI)…
Theo các chuyên gia trong ngành, để phát triển được dòng sản phẩm vi mô này, các doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, tận dụng được thế mạnh của nền công nghiệp 4.0… nhằm cung cấp gói dịch vụ thuận tiện từ khâu bán hàng, thanh toán đến chi trả bảo hiểm.
Ông Nghiêm Xuân Thái, Phó tổng giám đốc PTI nhận định, bảo hiểm vi mô chắc chắn sẽ phát triển trong tương lai, nhưng nó sẽ không chỉ là sản phẩm bảo hiểm đơn thuần mà gắn liền với nền tảng công nghệ, đưa công nghệ vào các trải nghiệm mua hàng của khách hàng.
“PTI đang đầu tư nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm này nhằm tạo nên một hệ sinh thái bảo hiểm da dạng, thuận tiện cho khách hàng lựa chọn và sử dụng sản phẩm”, ông Thái nói.