Đưa đại lý bảo hiểm vào “danh sách đen”

Việc doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đưa đại lý bảo hiểm của họ vào danh sách đại lý vi phạm (danh sách đen) của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) là chuyện bình thường tại thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, năm 2017 chứng kiến cảnh có doanh nghiệp đưa tổng số lượng đại lý vào danh sách vi phạm ước chiếm tỷ trọng lớn so với toàn ngành là chuyện có một không hai tại Việt Nam.
 

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ này làm vậy để ngăn ngừa khả năng đại lý bảo hiểm của họ chạy qua làm tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác. Họ thà "giết nhầm còn hơn bỏ sót". Chuyện này cũng từng xảy ra tại một số doanh nghiệp bảo hiểm khác, nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

Ngoài những trường hợp bổ sung vào danh sách đen theo kiểu “đúng người, đúng tội” thì cũng có trường hợp danh sách đen bị nhầm, có thể là cố ý nhầm. Nghĩa là không phải đại lý bảo hiểm vi phạm mà vì một số lý do riêng nhất định, có cả lý do liên quan đến gia đình, nhưng lại bị quy chụp là qua công ty khác, theo kiểu “còn hơn bỏ sót” như trên. 

Chuyện thì vô vàn tình huống!

Chẳng hạn, trường hợp một anh là quản lý đại lý ở miền Nam. Trước đây, có một ứng viên đại lý chưa đủ tuổi gia nhập làm tư vấn viên bảo hiểm, nhưng có tiềm năng. Người ứng viên đó đã sửa thông tin về năm sinh cho phù hợp tuổi. Anh đã xác nhận vào hồ sơ ứng viên này. Sau này, người ứng viên đó trở thành một MDRT (Million Dollar Round Table - đẳng cấp mơ ước của các tư vấn viên bảo hiểm). 

Thời gian sau, anh quản lý đại lý xin rời doanh nghiệp bảo hiểm đó do có công việc kinh doanh riêng. Gần 2 năm sau, khi anh muốn quay lại để làm cho chính doanh nghiệp bảo hiểm đó thì phát hiện tên mình nằm trong danh sách đen, với lý do đã xác nhận sai năm sinh của ứng viên đại lý bảo hiểm.
Một trường khác, một anh là quản lý giỏi ở miền Bắc, có người bạn thân làm tổng đại lý doanh nghiệp bảo hiểm khác. Anh sang hỗ trợ làm hội nghị, có chụp ảnh chung. Anh bị cho là “làm hai bên” nên bị cắt hợp đồng và bị đưa vào danh sách đen. Anh kiện ra ra tòa thì doanh nghiệp bảo hiểm này “cù nhầy” kéo dài.

Một số trường hợp khác còn oái oăm hơn, người có bản lĩnh hoặc may mắn thì thoát, nhưng không ít trường hợp rơi vào danh sách đen.

Có một chị là tư vấn bảo hiểm mới ở miền Bắc. Sếp của chị tự làm một loạt giấy chứng nhận kế toán viên cho chị và cho một số tư vấn bảo hiểm khác để được bán UL (bảo hiểm liên kết chung). Nhưng chị không biết và cũng không bán UL suốt 3, 4 tháng đầu tiên khi đi làm. Sau này, khi chị xin thôi thì chính sếp lôi việc đó ra và đưa chị vào danh sách đen. 

Hay một chị là quản lý lâu năm,  bị hồ nghi là muốn “nhảy” chỉ vì có người trông thấy chị đi ăn trưa với người của doanh nghiệp bảo hiểm khác. Chị vẫn muốn ở lại nhưng bị nhiều sức ép nên ở lại cũng không được và chị quyết định đi luôn. May mà chị đủ mạnh mẽ và quyết liệt để không bị đưa vào danh sách đen.

Một anh là tư vấn bảo hiểm ở miền Trung, khi nộp đơn xin nghỉ, doanh nghiệp bảo hiểm gọi điện thoại đến từng khách hàng. Dù khách hàng xác nhận tốt về anh, doanh nghiệp vẫn cố tình tìm cách đưa anh vào danh sách đen. Lý do thì cực đơn giản, chẳng hạn khi anh tư vấn hợp đồng bảo hiểm với khách hàng ở một địa điểm nào đó, nhưng do thói quen, anh vẫn ghi là tư vấn cho khách hàng “tại nhà”. Thế là doanh nghiệp có cớ quy kết anh.
“Giết nhầm” không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp của đại lý bảo hiểm, tâm lý của họ, mà còn gây bất mãn cũng như ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin đối với doanh nghiệp bảo hiểm đó cũng như của toàn ngành.

 

Cá nhân tôi ủng hộ việc đưa vào danh sách đen đối với đại lý bảo hiểm vi phạm, nhưng nếu chưa đến mức vi phạm mà bị đưa vào thì sẽ không công bằng cho các đại lý bảo hiểm chân chính và vô tình ảnh hưởng đến niềm tin, sự bền vững của hệ thống đại lý trên toàn thị trường. 

Tránh tình trạng “giết nhầm”, cách nào?

Tôi đã tập hợp được mườimấy trường hợp tư vấn viên bảo hiểm tại doanh nghiệp vừa đề cập trên và những người này đã nhờ tôi tư vấn pháp lý. 

Qua nghiên cứu các câu chuyện tại doanh nghiệp này, một điểm đáng chú ý là kể cả khi bị kiện ra tòa thì họ cũng tìm cách kéo dài thời gian. Bị xử thua ở cấp sơ thẩm, họ tiếp tục các biện pháp “cù nhầy” khi vụ việc bị đưa ra xử ở cấp phúc thẩm. 

Tại sao lại như vậy, đó là một “chiêu” khiến người khởi kiện nản chí, càng kéo dài, càng giảm cơ hội nghề nghiệp nơi khác. Thời gian bị "treo giò" ở danh sách đen là 3 năm, đưa ra tòa và với các biện pháp trong phạm vi pháp luật cho phép, doanh nghiệp có thể tìm cách kéo dài đến 2 năm hoặc dài hơn. 

Trong kinh doanh, đôi khi phạm trù đạo đức được lý giải theo cách không bình thường. Nếu một tư vấn viên rơi vào trường hợp đó, thì thắng kiện cũng có nghĩa là thua, bởi phần bồi thường là nhỏ hơn nhiều cơ hội đã mất đi. Vậy, hãy tìm hiểu rõ các công ty bảo hiểm ngay từ ngày đầu mình đầu quân.

Tôi kiến nghị, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cần làm việc lại với các doanh nghiệp bảo hiểm để cụ thể hóa và thống nhất trường hợp nào đưa vào danh sách đen, trường hợp nào không. 

Ví dụ, đại lý bảo hiểm còn nợ tiền doanh nghiệp từ bao nhiêu trở lên mới đưa vào danh sách đen? Trường hợp nào đưa vào, trường hợp nào không? Tôi biết có trường hợp khi đại lý bảo hiểm xin thôi, kế toán doanh nghiệp quyết toán tính sai tiền cho đại lý bảo hiểm và đại lý bảo hiểm cần phải nộp thêm tiền. Doanh nghiệp gửi thông báo cho đại lý yêu cầu thanh toán và hăm dọa sẽ đưa vào danh sách đen.

Ví dụ khác, doanh nghiệp cho rằng, đại lý bảo hiểm trục lợi hay gian lận bảo hiểm. Gian lận bảo hiểm là hành vi vi phạm pháp luật hình sự (hiệu lực từ 1/1/2018), doanh nghiệp bảo hiểm không thể tự cho mình quyền kết tội đại lý bảo hiểm là gian lận bảo hiểm, vì hành vi này đã được minh định trong pháp luật hình sự.

Đại lý vi phạm “nghiêm trọng” hợp đồng đại lý bảo hiểm sẽ bị đưa vào danh sách đen, nhưng mỗi doanh nghiệp định nghĩa “nghiêm trọng” có khác nhau. Cần có sự thống nhất trong toàn ngành về định nghĩa này.

Đồng thời, IAV cần có chế tài với những doanh nghiệp lạm dụng danh sách đại lý vi phạm, với tư cách là một công cụ quản lý của ngành, để thực hiện ý đồ riêng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, IAV cũng cần yêu cầu tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm bổ sung vào điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng đại lý, đó là “cơ quan thụ lý giải quyết tranh chấp là trọng tài kinh tế hoặc tòa án có thẩm quyền”, chứ không phải chỉ có tòa án như hiện nay. 

Nên chăng thành lập Hiệp hội các nhà đại lý bảo hiểm?

Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có quá trình hình thành khoảng 20 năm với tổng cộng 18 doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp đều phân phối sản phẩm bảo hiểm của mình qua kênh đại lý bảo hiểm. Dù có sự hiện diện của các kênh bán hàng mới nhưng đội ngũ đại lý bảo hiểm là lực lượng kinh doanh chủ yếu của ngành bảo hiểm nhân thọ, mang lại với doanh số gần 95% doanh số của của toàn ngành. 

Đại lý bảo hiểm chính là đầu mối chịu trách nhiệm thu xếp việc ký kết các hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp và người mua bảo hiểm. Đại lý thực hiện hoạt động này theo uỷ quyền của doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng đại lý để được hưởng hoa hồng bảo hiểm và các khoản thưởng có liên quan. 

Việc xây dựng, phát triển, sử dụng và khai thác tốt lợi thế của đội ngũ đại lý bảo hiểm sẽ tạo ra thế mạnh cho doanh nghiệp, mang lại cơ hội lớn cho toàn ngành dựa trên cả 2 khía cạnh doanh thu lẫn mức độ ảnh hưởng, uy tín của ngành.

Để phối hợp quản lý hiệu quả, định hướng nghề nghiệp, nâng cao đào tạo đội ngũ đại lý bảo hiểm, vì một thị trường phát triển bền vững, nên chăng nghiên cứu thành lập Hiệp hội các nhà đại lý bảo hiểm hoạt động độc lập song song bên cạnh hiệp hội ngành nghề đang tồn tại đó là Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. 

Thực tế các nước cũng đang tồn tại mô hình này và kết quả là đã hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm trong việc quản lý giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm là tổng đại lý, quản lý đại lý và cá nhân đại lý, từ đó làm “trong sạch” thị trường, phát triển ổn định, hiệu quả, tạo dựng thêm niềm tin vững chắc cho người tham gia bảo hiểm.

Theo Nguyễn Khắc Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật An Thành Sài Gòn