Tăng vốn nhóm bảo hiểm: Kẻ bứt tốc, người giậm chân
Đinh Hoài Thu,
Trong 4-5 năm gần đây, trong khi khá nhiều doanh nghiệp “dậm chân” với mức vốn điều lệ cũ, đã có khá nhiều cái tên bứt phá nâng cao năng lực tài chính và mở rộng kinh doanh.
Phân hoá
Dự kiến trong quý III/2022, gần 21,5 triệu cổ phiếu MIG phát hành để chi trả cổ tức tỷ lệ 100:15 sẽ về tài khoản các cổ đông của Bảo hiểm Quân đội. Doanh nghiệp bảo hiểm này còn dự kiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu ESOP cho nhân viên cùng với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ sau cả ba đợt phát hành trên dự kiến tăng lên 1.930,5 tỷ đồng.Trong 4-5 năm gần đây, nếu tính riêng nhóm các công ty giao dịch trên sàn (chủ yếu gồm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong top thị phần), Bảo hiểm Quân đội là doanh nghiệp tăng vốn nhanh nhất. Mức vốn điều lệ hiện tại 1.644,5 tỷ đồng đã cao gần gấp đôi thời điểm cuối năm 2018.
chào bán riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Tập đoàn Bảo Việt cũng đạt được thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác Sumitomo Life Insurance Company (Nhật Bản) với giá phát hành gấp 9,6 lần mệnh giá và quy mô vốn điều lệ tăng 6%.
Nhìn phạm vi rộng hơn, nhiều “lính mới” dù chưa nắm được thị phần lớn, đã tích cực nâng cao năng lực tài chính và ghi nhận sự bứt tốc khá nhanh. Bảo hiểm OPES mới thành lập năm 2018 với quy mô vốn 300 tỷ đồng. Sau hơn 4 năm, vốn điều lệ đã tăng 83% lên 550 tỷ đồng. Tương ứng, quy mô kinh doanh cũng mở rộng nhanh chóng với doanh thu từ hoạt động bảo hiểm tăng 67% so với năm 2020 (xấp xỉ 736 tỷ đồng).
Trái với nhóm “bứt phá”, vốn điều lệ của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ đi ngang theo một đường thẳng dài nhiều năm qua hoặc tăng từ chính nguồn vốn sở hữu mà không có thêm dòng tiền bên ngoài. Sau thương vụ phát hành riêng lẻ cho Fairfax (Đức) từ năm 2015, Bảo hiểm BIDV vẫn duy trì mức vốn 1.173 tỷ đồng. PJICO, PVI, Bảo hiểm Bảo Long, Bảo hiểm Bưu điện cũng trong tình trạng tương tự.
“Dậm chân” trong khi nhiều đối thủ củng cố năng tài chính cũng là bước đi lùi. Bảo Việt Nhân Thọ - đơn vị kinh doanh mảng bảo hiểm nhân thọ của Tập đoàn Bảo Việt hiện chỉ còn xếp thứ 8 về vốn trong 18 công ty trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, năm 2015, đây là đơn vị có quy mô vốn lớn nhất.
Vốn mỏng là vấn đề lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt liên tục nhắc đến tại cuộc họp cổ đông hai năm gần đây. Dù huy động được gần 4.012 tỷ đồng và lên kế hoạch dành tới 3.800 tỷ đồng (điều chỉnh từ mức 2.500 tỷ đồng ban đầu) để tăng vốn cho các đơn vị thành viên, Tập đoàn mới chỉ giải ngân chưa đến phân nửa và cũng chưa thực hiện được đợt tăng vốn nào trong riêng năm 2021.
Áp lực tăng vốn
Tại Bảo Việt Nhân Thọ, vốn điều lệ duy trì ở mức 6.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2021 có tăng thêm hơn 20%, lên 7.550 tỷ đồng, quy mô tài sản vẫn cao hơn nhiều lần, đạt 141.422 tỷ đồng. Bình quân cứ 100 đồng tài sản được tài trợ bởi 5,3 đồng vốn chủ sở hữu.
Dù đã chốt phương án chia cổ tức hơn 30% bằng tiền mặt cho năm 2021, lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt cũng thừa nhận, tăng vốn là nhu cầu “hết sức cấp thiết” ở cả công ty con và Tập đoàn. Theo ước tính của Ban điều hành Tập đoàn, nhu cầu vốn của Bảo Việt cần đến 45.000 tỷ đồng trong khoảng 10 năm tới.
Đối với các tổ chức tài chính từ ngân hàng, công ty chứng khoán hay bảo hiểm, bên cạnh hoạt động kinh doanh, việc quản trị rủi ro luôn được các cơ quan quản lý giám sát thông qua các tỷ lệ an toàn tài chính, hệ số vốn hay với ngành bảo hiểm là biên khả năng thanh toán.
Nâng cao năng lực tài chính cũng đồng nghĩa với việc có dư địa để mở rộng quy mô kinh doanh. Như với Bảo hiểm Quân đội, đi cùng kế hoạch tăng vốn giai đoạn trước cũng như hiện tại, kế hoạch kinh doanh mà doanh nghiệp đề ra cũng rất tham vọng với mục tiêu vào top 4 thị phần ngay năm 2022.
“Tân binh” OPES ghi nhận tỷ lệ biên khả năng thanh toán giảm dần khi tốc độ phát triển kinh doanh nhanh hơn tốc độ tăng vốn. Biên khả năng thanh toán của công ty hồi cuối năm 2019 gấp tới 5,5 lần mức biên khả năng thanh toán tối thiểu. Tuy nhiên, dù vừa bổ sung 150 tỷ đồng vốn điều lệ, biên khả năng thanh toán cuối năm 2021 chỉ còn vượt 7% mức tối thiểu.
Ngoài ra, nâng cao năng lực tài chính còn đồng nghĩa với gia tăng khả năng cạnh tranh. Việc đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính còn là tấm vé giúp các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tham gia đấu thầu các dự án lớn hoặc đạt được yêu cầu của đối tác, khách hàng hoặc theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
Quy định mới tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2023 cũng được nhận định sẽ thúc đẩy quá trình tăng vốn. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn được tính bằng tỷ lệ giữa vốn thực có và vốn trên cơ sở rủi ro sẽ là công cụ đánh giá mức độ an toàn tài chính thay thế biên khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, thay đổi trên có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, áp lực tăng vốn để nâng cao mức an toàn tài chính chưa quá cận kề, nhưng các hoạt động tăng vốn được kỳ vọng sẽ sớm sôi động các năm tới.
Quy định hiện hành đang tính toán mức vốn yêu cầu dựa trên dự phòng kỹ thuật hoặc số tiền bảo hiểm/doanh thu phí bảo hiểm, không tính đến các mức độ và loại rủi ro khác nhau. Nếu áp dụng mô hình mới tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), mức vốn yêu cầu được tính trên cơ sở rủi ro sẽ lớn hơn. Theo chuyên gia phân tích từ Chứng khoán SSI, mô hình quản lý vốn mới sẽ có tác động đến các công ty bảo hiểm, nhưng để đánh giá cụ thể, phải chờ các văn bản dưới luật do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết.
(Theo baodautu.vn)