Rủi ro trách nhiệm bảo hiểm khi xuất hóa đơn sớm.
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Nhà bảo hiểm đã xuất hóa đơn sớm hơn 2 tháng so với kỳ thanh toán quy định tại hợp đồng. Tòa án cho rằng trong trường hợp này, đơn bảo hiểm vẫn có hiệu lực.
Khách hàng chậm nộp phí
Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng đã xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty TNHH Dịch vụ vận tải biển SH (có trụ sở tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Bản án ngoài việc đưa ra phán quyết về trách nhiệm các bên trong tranh chấp, còn quyết định về tiền lãi do chậm thanh toán theo án lệ 09.
Được biết, tháng 12/2014, Công ty Cho thuê tài chính 1 Agribank - Chi nhánh Hải Phòng (Công ty ALCI - Hải Phòng) và Công ty SH ký hợp đồng cho thuê tài chính đối với tàu SH 26 - ALC2.
Tháng 4/2017, Công ty SH, Công ty ALCI - Hải Phòng và Bảo hiểm Bảo Việt - Hải Phòng ký hợp đồng bảo hiểm bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu biển đối với tàu SH26-ALC2. Số tiền bảo hiểm thân tàu là 6,6 tỷ đồng; số tiền bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu là 2 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm là hơn 94 triệu đồng.
Phí bảo hiểm thân tàu chia làm 4 kỳ, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu chia làm 2 kỳ. Người được thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm đối với thân tàu là Công ty ALCI - Hải Phòng, người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu là Công ty SH.
Công ty SH đã đóng phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự kỳ 1, phí bảo hiểm thân tàu kỳ 1, kỳ 2. Kỳ đóng phí tiếp theo vào ngày 2/11/2017. Nhưng trước đó 2 tháng, ngày 1/9/2017, Bảo hiểm Bảo Việt đã phát hành thông báo đóng phí và lập, xuất hóa đơn thu phí ngày 5/9/2017.
Vào ngày 2/11/2017, tàu SH đang ở biển. Ngày 3/11/2017, tàu SH cập cảng và dỡ hàng tại cảng Vũng Rô (Phú Yên) thì bão đổ bộ. Cảng vụ Vũng Rô yêu cầu tàu di chuyển đến khu neo đậu tránh bão. Đêm ngày 3/11, rạng sáng ngày 4/11 thì xảy ra tổn thất, tàu bị sóng đánh đứt neo, hỏng máy, bị trôi dạt, va chạm với tàu khác và dạt lên bãi cát thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 4/11/2017, Công ty SH đóng phí đợt tiếp theo.
Sau khi sự kiện xảy ra, Công ty SH đã thông báo cho Bảo hiểm Bảo Việt. Bảo hiểm Bảo Việt đã chỉ định Công ty TNHH Giám định Bảo Định thực hiện việc giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất của tàu. Tuy nhiên, sau khi Công ty SH hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường tổn thất, Bảo hiểm Bảo Việt đã từ chối bồi thường với lý do đơn bảo hiểm mất hiệu lực tại thời điểm tổn thất do khách hàng không đóng phí đúng hạn. Do đó, Công ty SH đã đệ đơn khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Bảo hiểm Bảo Việt bồi thường tổng số tiền 5,1 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, đại diện Bảo Việt thừa nhận quá trình giao kết hợp đồng, đóng phí như nguyên đơn trình bày. Về cơ sở từ chối bồi thường, nhà bảo hiểm viện dẫn Quy tắc bảo hiểm, theo đó, trong mọi trường hợp, dù Bảo hiểm Bảo Việt đã chấp nhận bảo hiểm, cấp đơn bảo hiểm, thì hiệu lực bảo hiểm sẽ tự động chấm dứt nếu khách hàng không nộp phí đầy đủ và đúng hạn. Sau khi tổn thất xảy ra, chủ tàu mới nộp phí bảo hiểm là vi phạm quy tắc bảo hiểm nên Bảo Việt từ chối bồi thường.
Rủi ro hóa đơn xuất sớm
Tòa án nhận định việc Công ty SH chậm thanh toán phí là do Bảo hiểm Bảo Việt không thông báo đóng phí trước thời hạn thanh toán là 10 ngày theo quy định của hợp đồng cho Công ty SH và Công ty ALCI - Hải Phòng - đơn vị bảo lãnh các khoản phí bảo hiểm và có trách nhiệm tạm ứng phí nếu Công ty SH không nộp. Nhà bảo hiểm thông báo trước 62 ngày và chỉ thông báo cho Công ty SH, không thông báo cho Công ty ALCI - Hải Phòng.
Án lệ 09/2016/AL:
Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Tòa án lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam...) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật.
Bảo hiểm Bảo Việt đã xuất hóa đơn VAT cho Công ty SH. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC, đây là căn cứ chứng minh Bảo Việt đã hoàn thành việc cung cấp bảo hiểm cho Công ty SH, đã cho Công ty SH nợ phí. Khoản 2, Điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.
Khi sự kiện xảy ra, Công SH đã thông báo cho bên bảo hiểm và nộp phí, bên bảo hiểm đã thu phí, như vậy là Bảo hiểm Bảo Việt đã chấp nhận gia hạn hợp đồng bảo hiểm phù hợp với quy định tại Quy tắc bảo hiểm tàu biển của Bảo Việt: Khi đơn bảo hiểm đã hết hạn mà tàu còn ở ngoài biển, hoặc đang gặp nguy hiểm, hay ghé vào một nơi nào đó để lánh nạn thì tàu có thể được tiếp tục bảo hiểm cho đến khi neo cột an toàn tại cảng, với điều kiện người được bảo hiểm phải kịp thời thông báo cho Bảo hiểm Bảo Việt và nộp phí theo yêu cầu...
Từ căn cứ trên, Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty SH. Sau khi xem xét tính toán, Tòa án tuyên buộc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và thiệt hại cho Công ty SH là 402 triệu đồng, bồi thường bảo hiểm thân tàu cho Công ty ALCI- Hải Phòng số tiền 2,6 tỷ đồng.
Trong bản án này, Tòa án cũng quyết định về mức lãi chậm thanh toán. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, nếu nhà bảo hiểm chưa thanh toán thì phải chịu tiền lãi theo lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường của 3 ngân hàng (áp dụng án lệ 09/2016/AL).
Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Trong hoạt động kinh doanh, khó tránh khỏi rắc rối, rủi ro nhất là các dịch vụ đặc biệt như dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn pháp lý. Về nguyên tắc, khi xảy ra tranh chấp, căn cứ quan trọng nhất là thỏa thuận, cam kết giữa các bên được ghi nhận trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong hoạt động của doanh nghiệp, việc xử sự theo thông lệ làm ăn, buôn bán là thường xuyên xảy ra. Nhìn chung, liên quan đến nghĩa vụ thanh toán, khi xuất hóa đơn VAT, doanh nghiệp phải kê khai ngay trong tháng theo đúng quy định về thuế. Nhiều trường hợp, hóa đơn đã xuất, thuế đã kê khai, nhưng khách hàng không thanh toán.
Đối với việc xuất hóa đơn trước, đây là thông lệ trong kinh doanh. Có trường hợp cho thuê đất trong khu công nghiệp, đơn vị cho thuê xuất hóa đơn cho cả 6 tháng, giá trị hơn 10 tỷ đồng, nhưng thực tế, khi cơ quan điều tra vào xác minh thì doanh nghiệp mới thanh toán 1/3.
Ngoài ra, việc xuất hóa đơn còn liên quan đến nghĩa vụ cung cấp dịch vụ hàng hóa. Doanh nghiệp cần thận trọng và đảm bảo, kỳ thanh toán dịch vụ tương ứng thời điểm xuất hóa đơn. Việc xuất hóa đơn sớm hơn thời hạn thanh toán được quy định trong hợp đồng có thể giúp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu nhưng để lại rủi ro pháp lý.