Ngành Bảo hiểm đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu BH đa dạng của các tổ chức, cá nhân và là một trong các kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thông qua hoạt động đầu tư của các DNBH.
Hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư trở lại nền kinh tế
Thời gian qua thị trường BH đã đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, năng lực tài chính của các DNBH tiếp tục được nâng cao. Các DNBH cũng đã nâng cao công tác quản trị, điều hành; đa đạng hóa sản phẩm; chuyên nghiệp hóa kênh phân phối… Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát BH ngày một nâng cao; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh BH ngày càng hoàn thiện. Theo đó, thị trường BH Việt Nam được coi là một trong các kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế; tổng số tiền các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 17,7%/năm.
Cụ thể, năm 2016, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH ước đạt 186.572 tỷ đồng, tăng 16,49% so với năm 2015; năm 2017, các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 251.639 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, thị trường BH tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 277.384 tỷ đồng, tăng 27,47% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đại diện Cục Quản lý, giám sát BH, hoạt động đầu tư của các DNBH đảm bảo an toàn, hiệu quả. Cơ cấu đầu tư của các DNBH tập trung vào các tài sản có tính an toàn cao như trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng (chiếm tỷ trọng trên 85%). Cụ thể năm 2016, riêng đầu tư vào trái phiếu chính phủ của các DNBH chiếm tỷ trọng 57,21%; năm 2017, đầu tư vào trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tỷ trọng danh mục đầu tư... Các DNBH cũng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu DN, góp vốn vào DN khác, chiếm tỷ trọng 8%, các tài sản đầu tư còn lại (cho vay, kinh doanh bất động sản, ủy thác đầu tư và hoạt động khác, chiếm tỷ trọng không đáng kể 5%).
Việc các DNBH mua trái phiếu chính phủ, đặc biệt là trái phiếu chính phủ dài hạn 20-30 năm đã khẳng định vai trò của BH là một trong các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, góp phần tái cơ cấu nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời cũng thể hiện lòng tin và cam kết của nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, đại diện cơ quan quản lý về BH nhấn mạnh.
Bên cạnh hoạt động đầu tư, các DNBH luôn tích cực hỗ trợ, khẩn trương thực hiện bồi thường cho khách hàng khi không may xảy ra rủi ro.
Theo đó, năm 2016, tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền BH của các DN ước đạt 25.872 tỷ đồng; năm 2017, tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền BH ước đạt 31.325 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, các DNBH chi trả quyền lợi BH ước đạt 16.322 tỷ đồng, tăng 22,43% so với cùng kỳ.
Việc giải quyết bồi thường, chi trả quyền lợi BH nhanh chóng đã giúp khách hàng kịp thời khắc phục khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh - xã hội; đồng thời, thể hiện uy tín, tính chuyên nghiệp cũng như cam kết lâu dài của các DNBH nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng và cộng đồng.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý
Theo Chiến lược phát triển thị trường đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 193/QĐ-TTg, đến năm 2020, thị trường BH sẽ đạt được các chỉ tiêu phát triển như: tổng doanh thu ngành BH đạt 3% 4% GDP; quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ BH nhằm đáp ứng nghĩa vụ chi bồi thường và trả tiền BH cho khách hàng tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010; tổng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các DNBH đến năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010…
Để đảm bảo thị trường BH phát triển bền vững song vẫn đảm bảo quyền lợi của các DNBH cũng như quyền lợi của bên mua BH, cơ quan quản lý về BH cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý. Theo đó, sẽ sớm sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BH một cách tổng thể theo hướng hệ thống pháp luật mới sẽ có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và đồng bộ hơn hoạt động kinh doanh BH trong mối liên kết với các mảng thị trường dịch vụ tài chính, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về dịch vụ BH; đánh giá kết quả thực hiện Luật Kinh doanh BH giai đoạn 2000 - 2017…
Bên cạnh đó, sẽ sớm ban hành những chính sách phù hợp khuyến khích các DN phát triển sản phẩm BH, đảm bảo đáp ứng nhu cầu BH đa dạng của mọi lĩnh vực kinh tế và tầng lớp dân cư; triển khai những chính sách ưu đãi phù hợp để hỗ trợ các DNBH phát triển các sản phẩm BH có ý nghĩa an sinh - xã hội và các sản phẩm BH có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế như BH vi mô, BH thiên tai, BH tài sản công... Đồng thời, đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối BH; nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý BH; nghiên cứu để ban hành các quy định tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các kênh phân phối mới như phân phối BH qua thương mại điện tử, qua mạng điện thoại di động...
Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ xây dựng và ban hành các quy định về quản trị rủi ro DN, đặc biệt là các yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin và các chuẩn mực về ngành nghề quản trị điều hành, nhân lực, làm định hướng cho các DNBH nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, đảm bảo khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch hỗ trợ DNBH phát triển bền vững.
Năm 2018, ngành BH đặt mục tiêu doanh thu 129.246 tỷ đồng, tăng 22,38%; đầu tư trở lại nền kinh tế ước 305.497 tỷ đồng; tổng tài sản ước đạt 370.818 tỷ đồng... |