Một số vấn đề chính tại Hội thảo “Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm Phi nhân thọ”

Ngày 2/8/2019, Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Nha Trang về chuyên đề “Pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ” với sự tham gia của đại diện hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (DNBH) đang hoạt động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Qua những tham luận tại hội thảo này cũng như ý kiến trao đổi và các quan điểm được chia sẻ giữa các đại biểu, tôi cho rằng trong tương lai cần có thêm nhiều các cuộc hội thảo như thế nữa để một mặt nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử của tòa án các cấp liên quan đến một vấn đề có tính chuyên sâu như bảo hiểm thương mại phù hợp với các quy định của pháp luật và tập quán quốc tế, mặt khác cũng giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thiện hơn nữa các văn bản hợp đồng bảo hiểm theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn vừa đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của mình vừa không xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Những vấn đề thu hút nhiều quan tâm và ý kiến chia sẻ của các đại biểu là những vấn đề nảy sinh từ những vụ việc tranh chấp giữa DNBH và khách hàng tham gia bảo hiểm trong thực tế khi có sự khác nhau về quan điểm giữa các cơ quan xét xử và DNBH, thậm chí là khác nhau giữa các cấp xét xử hoặc giữa tòa án ở địa phương này với  tòa án ở đại phương khác hoặc giữa tòa án và trọng tài liên quan đến hợp đồng bảo hiểm như giấy chứng nhận bảo hiểm, các quy định về loại trừ bảo hiểm, chuyển nhượng quyền lợi có thể bảo hiểm, quyền của tổ chức giám định tổn thất, nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm của NĐBH…

Với tư cách là một trong các đại biểu tham dự Hội nghị này, xin phép được nêu lại ở đây những vấn đề nêu trên và kèm theo đó là một số ý kiến người viết bài này.

1)     Giấy chứng nhận bảo hiểm

Một số đại biểu đưa ra các câu hỏi liên quan đến Giấy chứng nhận bảo hiểm (GCNBH) như GCNBH được coi là Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) chưa, trên GCNBH có cần phải có cả chữ ký của Người được bảo hiểm (NĐBH) hay bên mua bảo hiểm hay không…?

a)     GCNBH có được coi là HĐBH?

Để trả lời câu hỏi này thì trước hết cần phải biết theo quy định của luật thì một Hợp đồng bảo hiểm cần phải có các nội dung gì.

Điều 13, Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH) quy định Hợp đồng bảo hiểm phải có ít nhất các nội dung bắt buộc là Tên và địa chỉ của DNBH, Bên mua bảo hiểm, NĐBH hoặc người thụ hưởng, Đối tượng bảo hiểm, Số tiền bảo hiểm, Phạm vi bảo hiểm bao gồm các điều kiện và điều khoản bảo hiểm và điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, Mức phí bảo hiểm, Các phương thức trả tiền bồi thường, các quy định giải quyết tranh chấp, Ngày, tháng, năm giao kết…  Mặt khác Điều 14 Luật KDBH quy định hình thức của HĐBH là phải “được lập thành văn bản”. 

Như vậy, theo cách hiểu luật của tôi thì nếu một văn bản giấy tờ dù dưới tên gọi là “Giấy chứng nhận bảo hiểm” hay bất kỳ tên gọi nào khác mà đã thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc như trên theo quy định của Điều 13, Luật KDBH, đồng thời đáp ứng các điều kiện khác của Bộ Luật Dân sự như có bằng chứng là bên mua bảo hiểm đã chấp nhận các nội dung này như đã ký Giấy yêu cầu bảo hiểm và đã đóng phí bảo hiểm như quy định thì GCNBH đó đã hội tụ đủ điều kiện như là một “Hợp đồng bảo hiểm”.

Vì các điều khoản và điều kiện bảo hiểm thường là khá dài nên theo tập quán thì trên các GCNBH, các DNBH chỉ ghi một số thông tin chính như tên tên bên mua bảo hiểm và/ hoặc người được bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, loại hình bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm… và có thể tóm tắt phạm vi bảo hiểm. Trong trường hợp đó thì GCNBH chỉ được coi là một trong các “bằng chứng giao kết HĐBH” như quy định ở đoạn cuối của Điều 14, Luật KDBH.

Trong trường hợp GCNBH chỉ được coi là “bằng chứng giao kết HĐBH”, tức là chưa thể hiện đầy đủ nội dung của HĐBH như quy định của Điều 13 Luật KDBH thì phải có thêm các văn bản khác nữa có đầy đủ các nội dung này kết hợp với GCNBH để cấu thành một văn bản HĐBH hoàn chỉnh. Ví dụ nếu GCNBH không ghi rõ phạm vi bảo hiểm hoặc chỉ liệt kê tóm tắt mà không ghi đầy đủ nội dung các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cụ thể thì chưa thể gọi là một HĐBH. Trong trường hợp đó, vì HĐBH là loại hợp đồng mẫu do một bên là DNBH soạn thảo nên DNBH là bên phải có trách nhiệm hoàn thiện nó bằng cách đính kèm thêm một văn bản được gọi là Quy tắc bảo hiểm (policy wording) trong đó đề cập đầy đủ toàn bộ nội dung này để cung cấp cho bên mua bảo hiểm hoặc NĐBH. 

Trong thực tiễn áp dụng ở Việt Nam cũng như theo tập quán quốc tế về HĐBH, một bộ văn bản HĐBH (policy document) mà các DNBH thường cấp cho bên mua bảo hiểm là:

-           GCNBH (policy schedule) trên đó ghi các thông tin chính như tên Người được bảo hiểm (NĐBH), số tiền bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, số phí phải đóng và thông tin tóm tắt về các điều kiện và điều khoản bảo hiểm chính;

-           Quy tắc bảo hiểm với nội dung đầy đủ về phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm (policy wording) và/ hoặc

-           Các Điều khoản bổ sung (Additional Clauses/ Endorsements), nếu có.

DNBH giữ lại Giấy yêu cầu bảo hiểm của bên mua bảo hiểm làm bằng chứng và có thể chuyển lại cho bên mua bảo hiểm giữ một bản sao như là một văn bản cấu thành nên một HĐBH.

Chính vì thế nên ở phần đầu của các quy tắc bảo hiểm thường có nội dung đại ý “HĐBH này được hiểu bao gồm Giấy yêu cầu bảo hiểm, GCNBH, Quy tắc bảo hiểm và các Điều khoản bổ sung như là các bộ phận cấu thành và không thể tách rời với nó”.

Theo tôi, để các cơ quan xét xử của Việt Nam luôn hiểu rằng những chứng từ này luôn phải đi kèm với nhau và là các bộ phận không thể tách rời của HĐBH thì ngoài Quy tắc bảo hiểm, DNBH cũng nên ghi rõ điều này trên cả GCNBH.

Đấy là nói trong các trường hợp tổng quát đối với các loại hình bảo hiểm tự nguyện. Còn trong trường hợp bảo hiểm là bắt buộc do Bộ Tài chính quy định như Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, Bảo hiểm Cháy nổ bắt buộc thì bộ HĐBH có thể đơn giản hơn.  Trong trường hợp ấy, Quy tắc bảo hiểm (policy wording) không phải do các DNBH đưa ra mà là được quy định trong các văn bản pháp quy của nhà nước nên DNBH có thể không cần phải đính kèm theo các Quy tắc bảo hiểm này trong bộ hợp đồng bảo hiểm, thay vào đó trong GCNBH chỉ cần ghi ở mục phạm vi bảo hiểm là “theo Quy tắc bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định” có trích dẫn số văn bản, ngày ban hành văn bản là đủ. Vì đối với các quy định bắt buộc có tính pháp quy như thế thì mọi tổ chức và cá nhân đều phải có trách nhiệm biết hoặc lẽ ra phải biết để tuân thủ.

Tuy vậy, để thuận tiện cho khách hàng thì trong các trường hợp thực hiện các loại hình bảo hiểm bắt buộc, các DNBH cũng nên cung cấp thêm nội dung các Quy tắc này để thuận tiện hơn cho khách hàng, nhưng khi có tranh chấp thì tòa án không thể xem việc cung cấp đó là nghĩa vụ bắt buộc của DNBH khi việc tìm hiểu và thực hiện các văn bản pháp quy đó là nghĩa vụ đương nhiên của cả bên mua bảo hiểm chứ không chỉ của các DNBH.

b)     Bên mua bảo hiểm có cần phải ký tên trên GCNBH?

Đây cũng là câu hỏi được đặt ra trong buổi hội thảo xuất phát từ một thực tiễn tranh chấp mà một số đại biểu ngoài ngành bảo hiểm nêu ra. Trong thực tiễn áp dụng ở Việt Nam cũng như theo tập quán quốc tế thì trên GCNBH không nhất thiết phải có chữ ký hay đóng dấu của bên mua bảo hiểm vì hoặc là họ đã ký trên Giấy yêu cầu bảo hiểm rồi và Giấy yêu cầu bảo hiểm này đã được coi là một bộ phận cấu thành của bộ văn bản HĐBH hoặc là họ cũng không cần phải có Giấy yêu cầu bảo hiểm mà chỉ cần đóng phí bảo hiểm như là một sự xác nhận đã đồng ý đối với phạm vi bảo hiểm được cung cấp là đã hội đủ điều kiện để một hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết trong thực tế như quy định của Bộ Luật Dân sự.

Tập quán này không chỉ áp dụng trong lĩnh vực bảo hiểm mà còn thường áp dụng trong các ngành tài chính - ngân hàng. Ví dụ các chứng chỉ tiền gửi hay còn gọi là thẻ tiết kiệm do ngân hàng phát hành cho người gửi tiền chỉ cần có chữ ký và đóng dấu của đại diện ngân hng. Bên gửi tiền không ký vào các chứng chỉ đó, thay vào đó họ ký vào giấy yêu cầu gửi tiền, và 2 thứ giấy tờ này kết hợp với nhau cấu thành nên một “hợp đồng gửi tiền” hay “hợp đồng cho ngân hàng vay tiền”. Tương tự như thế, trái phiếu hay công trái cũng là một loại “hợp đồng” mà trên đó chỉ có chữ ký của bên phát hành. Và những loại hợp đồng” này thường được gọi là các “sản phẩm tài chính” – vì thế, trong lĩnh vực bảo hiểm người ta cũng thường dùng cụm từ “sản phẩm bảo hiểm” để chỉ các loại hình bảo hiểm khác nhau.

Thực tiễn xét xử các tranh chấp về bảo hiểm cho thấy hiện nay nhiều tòa án thụ lý ở các cấp cũng đã quen với tập quán này nhưng không phải là không có một số tòa án địa phương vẫn có quan niệm máy móc rằng đã là “hợp đồng” thì phải có chữ ký của cả 2 bên trên cùng một văn bản. Vì vậy, TAND cấp cao nên có hướng dẫn thống nhất theo hướng công nhận tập quán về văn bản hợp đồng này trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng. 

c)     Các quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm có nhất thiết phải được ghi trên GCNBH không?

Đây là vấn đề mà đại biểu của một DNBH đã nêu ra bên lề buổi hội thảo này và đại biểu đó phàn nàn về việc DN của mình bị tòa xử “thua” trong một vụ tranh chấp chỉ vì một cách trình bày trên GCNBH về các quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không thuyết phục được tòa khiến tòa không xem xét đến các quy định này.

Buổi hội thảo này không phải nơi để “kháng nghị” hay bàn sâu về các chi tiết của các vụ tranh chấp cụ thể. Còn để biết tòa xử như thế có hợp lý không thì theo tôi cần phải biết thêm một số thông tin nữa, ví dụ như ngoài GCNBH thì DNBH đó có cấp kèm theo cả Quy tắc bảo hiểm (policy wording) hay các điều khoản bổ sung, nếu có, hay không.

Giả sử nếu trên GCNBH không ghi (hoặc ghi không đầy đủ) các quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (hoặc các quy định khác về phạm vi bảo hiểm) thì như phân tích ở đoạn trên, GCNBH ấy chưa phải là một HĐBH như quy định ở Điều 13 của Luật KDBH mà chỉ là một “bằng chứng của giao kết hợp đồng” như quy định ở Điều 14 của Luật KDBH. Khi ấy DNBH phải ghi thêm trên GCNBH ở mục phạm vi bảo hiểm là “tham chiếu Quy tắc bảo hiểm đính kèm” và đính kèm bộ Quy tắc ấy với GCNBH thì mới hoàn tất một bộ văn bản của HĐBH.

Đối với các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, nếu DNBH đã hoàn tất bộ hợp đồng như trên với bộ Quy tắc bảo hiểm đính kèm có ghi đầy đủ các quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm mà tòa vẫn không xem xét các quy định loại trừ này mà vẫn xử DNBH “thua” thì mới có cơ sở để kháng nghị lên các cấp xét xử cao hơn. Còn nếu DNBH chỉ cấp GCNBH với nội dung không đầy đủ như nêu trên mà không cấp kèm theo Quy tắc bảo hiểm thì việc tòa án xử “thua” cho DNBH là có thể hiểu được.

Còn nếu đó là loại hình bảo hiểm bắt buộc thì như phân tích ở đoạn trên, DNBH không nhất thiết phải cung cấp thêm Quy tắc bảo hiểm (trong đó có các quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm) vì đó là nghĩa vụ phải biết của bên mua bảo hiểm hay NĐBH, và nếu DNBH vẫn bị xử thua vì không cấp kèm theo Quy tắc đã được luật quy định này thì DNBH có lý do để kháng nghị lên cấp xét xử cao hơn.

Nếu TAND cấp cao thấy quan điểm này là hợp lý thì nên có hướng dẫn chung để thống nhất xét xử trong toàn ngành.

2)     “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm” nên được quy định như thế nào cho rõ

Một số đại biểu cho rằng để thuận tiện cho công tác xét xử của tòa ánthì hội đồng thẩm phán nên có một hướng dẫn cụ thể về các quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Riêng tôi thấy điều này không khả thi vì ngoài những quy định loại trừ trách nhiệm mà bất cứ HĐBH tài sản nào cũng áp dụng như loại trừ đối với các rủi ro chiến tranh, hạt nhân, sự cố liên quan đến chính trị, hành vi cố ý của NĐBH và bên mua bảo hiểm… thì mỗi loại HĐBH tài sản lại có các quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khác nhau. Hiện nay trên thị trường có hàng chục loại hình bảo hiểm tài sản đặc thù khác nhau và việc quy định cụ thể các điều kiện, điều khoản của từng loại đó là việc của các DNBH chứ không phải là việc của các cơ quan xét xử.

Về vấn đề này, theo tôi Điều 18 Luật KDBH hiện hành quy định “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong HĐBH” là vừa cô đọng vừa đầy đủ.

3)     Chuyển nhượng bảo hiểm

Có ý kiến nêu ra trong Hội nghị về việc Bộ Luật dân sự mới nhất không có quy định gì về vấn đề chuyển nhượng bảo hiểm nên cần phải có “án lệ” đối với các tranh chấp về HĐBH có liên quan đến vấn đề này. Nhưng thực ra, vấn đề chuyển nhượng quyền lợi này đã được quy định khá rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành.

Khoản 1, Điều 26 Luật KDBH quy định “bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng HĐBH theo thỏa thuận…” và Khoản 2 cũng Điều trên quy định điều kiện của việc chuyển nhượng đó là “Việc chuyển nhượng HĐBH chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho DNBH về việc chuyển nhượng và DNBH có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế”

“Tập quán quốc tế” được đề cập trong câu trên cần phải được hiểu là chỉ liên quan đến các dịch vụ bảo hiểm cho các hoạt động thương mại quốc tế, ví dụ như đối với loại hình bảo hiểm vận chuyển hàng hóa trên biển thì việc chuyển nhượng bảo hiểm, cụ thể hơn là chuyển nhượng quyền lợi có thể bảo hiểm từ bên bán sang bên mua được thực hiện theo các điều kiện giao hàng quốc tế (Incoterm) mà không cần phải có văn bản thông báo cho DNBH. Trong mọi trường hợp khác, ví dụ như đối với việc bảo hiểm cho các tài sản ở trên bờ, thì việc chuyển nhượng HĐBH phải được thông báo cho DNBH và phải được DNBH đồng ý thì việc chuyển nhượng ấy mới có hiệu lực.

Lý do dẫn đến sự khác nhau đó là đối với bảo hiểm vận chuyển hàng hóa trên biển, việc chuyển nhượng bảo hiểm không làm thay đổi bản chất của rủi ro nên luật không bắt buộc người mua bảo hiểm phải thông báo cho DNBH, còn đối với các tài sản ở trên bờ thì nguy cơ rủi ro có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào người chủ sự sở hữu và trình độ cũng như kỹ năng quản lý đối với tài sản đó, và việc chuyển nhượng HĐBH cũng gắn liền với sự thay đổi về chủ sở hữu hay người quản lý tài sản đó. Vì vậy, luật bắt buộc bên mua bảo hiểm phải thông báo việc chuyển nhượng đó cho DNBH và cho phép DNBH có quyền quyết định có tiếp tục bảo hiểm tài sản trong trường hợp được chuyển nhượng ấy hay không (hoặc nếu tiếp tục bảo hiểm thì với mức phí bảo hiểm khác).

4)     Xác định giá trị bảo hiểm của tài sản tại thời điểm nào?

Một trong những câu hỏi được nhiều đại biểu nêu ra là việc xác định giá trị của tài sản được bảo hiểm nên thực hiện ở thời điểm nào. Trong thực tiễn áp dụng ở thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng như trên thế giới, trừ bảo hiểm đối với các đối tượng liên quan đến hàng hải như hàng hóa XNK hay tàu biển có thể được bảo hiểm theo một số tiền thỏa thuận từ trước, đối với các loại hình bảo hiểm tài sản ở trên bờ (như bảo hiểm hỏa hoạn, bảo hiểm máy móc thiết bị…) thì số tiền bảo hiểm là do bên mua bảo hiểm quyết định và đến khi xảy ra thiệt hại, DNBH có quyền thẩm tra lại để xác định xem số tiền bảo hiểm ấy có phản ánh đúng giá trị thực tế của tài sản không để làm căn cứ bồi thường thiệt hại.

Phải thừa nhận một thực tế là việc xác định lại số tiền bảo hiểm tại thời điểm thiệt hại như vậy dẫn đến việc tòa án phải mất công xem xét, đối chứng thêm, thậm chí có lúc tòa phải trưng cầu việc thẩm tra giám định lại giá trị tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa DNBH và bên mua bảo hiểm, điều này dẫn đến việc trong một số trường hợp, tòa án ở một vài địa phương đưa ra phán quyết DNBH phải bồi thường đúng theo số tiền bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm kê khai cho dù số tiền này có thể lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế của tài sản được bảo hiểm bất chấp việc phán quyết như vậy là không phù hợp với quy định của Luật KDBH.

Có lẽ vì thế mà đã có ý kiến từ một số đại biểu đến từ TAND Tối cao đặt vấn đề tại sao DNBH không tiến hành thẩm tra ngay từ đầu về giá trị tài sản để thỏa thuận trước với bên mua bảo hiểm một số tiền bảo hiểm phù hợp nhằm thuận tiện cho việc giải quyết bồi thường sau này cũng như thuận tiện cho… công việc xét xử của tòa án khi có tranh chấp xảy ra.

Tuy nhiên, xét về thực tiễn cũng như yêu cầu về pháp lý thì việc các bên tham gia HĐBH xác định trước giá trị bảo hiểm đối với tài sản được bảo hiểm tại thời điểm mua bảo hiểm là không phù hợp và không thuận tiện cho cả bên mua bảo hiểm và DNBH.

Trong thực tế, chưa nói đến biến động của lạm phát có thể xảy ra thì giá trị của tài sản máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu, thành phẩm, hàng tồn kho… của một cơ sở sản xuất hay kinh doanh luôn luôn biến động trong suốt thời hạn bảo hiểm, vì vậy nếu ấn định trước số tiền bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm sẽ không có cơ hội điều chỉnh lại số tiền bảo hiểm để phù hợp với những sự biến động đó như Luật KDBH cho phép để được hoàn phí (nếu giá trị tài sản giảm so với khai báo ban đầu) hoặc để được bồi thường đầy đủ (nếu giá trị tài sản tăng lên so với giá trị khai báo ban đầu). Vì vậy, Luật KDBH cho phép bên mua bảo hiểm có quyền bổ sung hay điều chỉnh số tiền bảo hiểm trong suốt thời hạn của HĐBH. Đấy chính là cơ sở pháp lý để bên mua bảo hiểm bảo đảm được quyền lợi cũng như thực thi được trách nhiệm trung thực trong khi khai báo thông tin của họ.

Còn đối với DNBH thì việc chỉ thẩm tra lại giá trị tài sản được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho họ trong công việc soạn thảo hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm, từ đó cũng tạo thuận lợi cho bên mua bảo hiểm khi HĐBH được giao kết nhanh, đảm bảo kịp thời hơn. Xin lưu ý là so với hàng ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh được bảo hiểm thì số cơ sở bị thiệt hại do rủi ro được bảo hiểm ít hơn nhiều. Vì vậy việc đánh giá lại giá trị bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại đối với một vài cơ sở bị thiệt hại là có tính khả thi hơn rất nhiều so với phải thẩm tra giá trị tài sản của hàng ngàn cơ sở khác không bị thiệt hại. 

Chính vì thế mà trong các Quy tắc bảo hiểm tài sản hiện hành trên thị trường bảo hiểm Việt Nam (trừ loại hình bảo hiểm hàng hải) đều thể hiện nguyên tắc trên. Các quy tắc này thực ra được áp dụng theo các mẫu đơn bảo hiểm quốc tế được các nhà nhận tái bảo hiểm quốc tế phê chuẩn để nhận tái bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, từ đó cũng phải thừa nhận có sự bất cập trong Luật KDBH hiện hành được thể hiện ở Điều 42 và Điều 43 khi lấy “giá trị tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng” làm cơ sở để xác định một HĐBH tài sản là “trên giá trị” hay “dưới giá trị”. Quy định hiện hành tại các Điều này 42 và 43 này một mặt chưa phản ánh một cách chính xác được thực tiễn và quy định của tập quán bảo hiểm quốc tế như phân tích ở trên, mặt khác cũng không nhất quán so với chính các điều khác trong Luật KDBH như Điều 18 quy định bên mua bảo hiểm phải “thông báo những trường hợp làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của DNBH trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm…”, và cũng không nhất quán với Điều 20 cho phép tính lại phí bảo hiểm nếu có sự thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm (giá trị bảo hiểm biến động cần phải được xem là một trong những yếu tố làm “thay đổi mức độ rủi ro” trong ngữ cảnh này).

Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn cũng như khắc phục bất cập này của Luật KDBH hiện hành, theo tôi trong lần soạn thảo Luật KDBH mới tới đây, các Điều 42 và 43 cần phải được sửa lại theo hướng lấy giá trị tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại, chứ không phải giá trị của nó tại thời điểm giao kết hợp đồng, làm cơ sở để xác định một HĐBH tài sản là “trên giá trị” hay “dưới giá trị”.

5)     Công ty giám định thiệt hại có được quyền đưa ra ý kiến về phạm vi trách nhiệm bảo hiểm không?

Đây là vấn đề cũng được nhiều đại biểu ngoài ngành bảo hiểm nêu ra và cho rằng các công ty hay tổ chức giám định về thiệt hại không có quyền đưa ra ý kiến về phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của DNBH.

Để trả lời câu hỏi này thì cần phải phân biệt ra 2 trường hợp sau đây

a)     Trường hợp 1 – Công ty giám định do DNBH thuê hoặc do bên mua bảo hiểm thuê

Luật KDBH cũng như các quy định khác của pháp luật không cấm các công ty giám định đưa ra quan điểm của họ về phạm vi trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại mà họ giám định trong trường hợp bên thuê họ yêu cầu họ nêu ý kiến về điều đó. Đó là thỏa thuận riêng giữa công ty giám định và bên thuê nó. Nhưng nếu công ty giám định ấy do bên nào thuê thì những ý kiến hay quan điểm của nó, kể cả ý kiến về phạm vi trách nhiệm bảo hiểm chỉ có giá trị tham khảo đối với bên thuê nó chứ không có giá trị bắt buộc đối với bên còn lại, với tòa án thì lại càng không.

Một số người, kể cả trong ngành bảo bảo hiểm gọi các công ty giám định này là “công ty giám định độc lập” là cách gọi dễ gây hiểu lầm khi các công ty giám định đó chỉ đóng vai trò là đại diện cho tiếng nói của bên thuê họ chứ không phải là cơ quan có thẩm quyền về trọng tài. Vì vậy khi xét xử thì tòa án hay cơ quan trọng tài có thẩm quyền có quyền bác bỏ bất kỳ ý kiến hay kết luận nào nêu trong biên bản giám định của các công ty giám định đó nếu thấy những ý kiến hay kết luận đó là không có cơ sở nhưng không thể bác bỏ quyền nêu ra ý kiến hay quan điểm của họ nếu DNBH đã đồng ý ủy quyền cho họ nêu ra những ý kiến hay quan điểm đó nhân danh mình.

b)     Trường hợp 2 – Công ty giám định do cả cả DNBH và bên mua bảo hiểm thuê

Trong trường hợp này, kết luận giám định, kể cả kết luận về phạm vi trách nhiệm bảo hiểm có thể có giá trị ràng buộc cả DNBH và NĐBH nếu trong thỏa thuận thuê giám định cả hai bên đã đồng ý như vậy, và lúc ấy thì công ty giám định mới có thể được coi là “công ty giám định độc lập”.

6)     Bên mua bảo hiểm thanh toán phí bảo hiểm sau khi xảy ra sự cố thiệt hại

Về vấn đề này, các đại biểu tham dự hội nghị hầu hết đều chia sẻ quan điểm chung rằng nếu sự cố thiệt hại xảy ra mà bên mua bảo hiểm chưa thanh toán phí bảo hiểm nhưng thời hạn thanh toán phí bảo hiểm mà hai bên thỏa thuận vẫn còn hiệu lực thì bên mua bảo hiểm vẫn có thể thanh toán phí bảo hiểm trong thời hạn đó để được hưởng quyền đòi bồi thường đối với thiệt hại đó, còn khi đã hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm mà có thiệt hại xảy ra thì họ sẽ mất quyền đòi bồi thường nếu thiệt hại đó xảy ra mà họ vẫn chưa thanh toán phí bảo hiểm.

Có đại biểu nêu một thực tế đã phát sinh là ngay sau khi xảy ra sự cố bảo hiểm khi thời hạn thanh toán phí bảo hiểm đã hết, bên mua bảo hiểm lập tức thanh toán phí bảo hiểm bằng chuyển khoản qua ngân hàng cho DNBH và một số tòa án địa phương vẫn xử DNBH phải chịu trách nhiệm bồi thường với lý do DNBH đã nhận được tiền phí bảo hiểm qua ngân hàng mà chưa hoàn trả lại cho bên mua bảo hiểm.

Chưa nói đến việc xét xử như vậy là đúng hay sai trong một sự vụ cụ thể (vì có thể còn có những yếu tố khác mà người viết bài này chưa rõ). Nhưng nếu chỉ vì lý do đó mà xử như vậy thì theo tôi nó có nguy cơ trở thành một án lệ thiếu công bằng và nguy hiểm cho ngành bảo hiểm vì sẽ khuyến khích những người có ý đồ trục lợi chỉ “mua bảo hiểm” khi có thiệt hại xảy ra (nếu công nhận quyền này của bên mua bảo hiểm thì cũng không khác gì chấp nhận để người chơi xổ số giữ lấy các vé số chưa quay số xem có trùng với giải đặc biệt rồi mới trả tiền để mua sau). Và nếu nhiều người được khuyến khích làm như vậy thì nguyên tắc tối thượng của hoạt động bảo hiểm là sự “thành ý tối đa” (utmost good faith) giữa các bên đã bị vi phạm. Và sự vi phạm đó không chỉ làm DNBH có nguy cơ phá sản mà còn làm phương hại đến quyền lợi của các khách hàng trung thực khác nếu an toàn tài chính của DNBH vì nó mà bị suy yếu.

Thực ra trong hầu hết các quy tắc bảo hiểm (policy wording) áp dụng hiện nay trên thị trường bảo hiểm Việt Nam phù hợp với các điều kiện chuẩn của các nhà nhận tái bảo hiểm trên thế giới thường có quy định rất rõ là trừ khi có thỏa thuận cụ thể về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm thì DNBH chỉ có trách nhiệm bảo hiểm đối với những thiệt hại nào xảy ra sau khi bên mua bảo hiểm đã thanh toán phí bảo hiểm. Nhưng có lẽ việc thể hiện bằng tiếng Việt về quy định này không phải lúc nào cũng rõ ràng nên đôi khi đã dẫn đến cách hiểu không chính xác ở phía cơ quan xét xử rằng nếu khách hàng thanh toán phí bảo hiểm và DNBH đã nhận được phí bảo hiểm thì DNBH phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại bất kể việc thanh toán phí bảo hiểm ấy được thực hiện trước hay sau khi xảy ra thiệt hại đó.

Nếu căn cứ theo đúng nguyên lý bảo hiểm thì sau khi thiệt hại xảy ra mà bên mua bảo hiểm mới thanh toán phí bảo hiểm qua ngân hàng mà DNBH chưa kịp trả lại khoản thanh toán đó thì DNBH cũng không bị ràng buộc bởi khoản thanh toán đó đối với thiệt hại đã xảy ra. Trong trường hợp đó, tùy theo thỏa thuận với bên mua bảo hiểm, DNBH sau đó có thể trả lại khoản tiền đó cho bên mua bảo hiểm để chấm dứt trách nhiệm của mình đối với HĐBH đó hoặc cũng có thể giữ lại khoản tiền đó để chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại khác có thể xảy ra sau đó, chứ không phải để chịu trách nhiệm cho thiệt hại đã xảy ra trước đó.

Tuy nhiên, Luật KDBH hiện nay khi đề cập đến vấn đề này vẫn khá chung chung và chưa thể hiện rõ nguyên lý có tính chất “common sense” này của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Vì thế, chúng tôi đề nghị khi ban hành Luật KDBH mới trong thời gian tới thì vấn đề này sẽ được làm rõ hơn.

Nhưng trong khi chờ Luật KDBH mới được ban hành và có hiệu lực, rất cần có một hướng dẫn chung của Ủy ban Thẩm phán TANDTC để việc xét xử đảm bảo nguyên tắc công bằng nói trên

                                                                             ***

Trên đây là một số ý kiến dưới góc độ cá nhân của người viết về một số vấn đề chính được nêu ra trong cuộc hội thảo nói trên. Những ý kiến này bao gồm cả các ý kiến đã phát biểu và chưa có điều kiện phát biểu trực tiếp tại hội nghị nhưng xin được nêu chung trong bài viết này cho có hệ thống. Người viết rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn đồng nghiệp trong ngành bảo hiểm và hy vọng những ý kiến của mình sẽ được hội đồng thẩm phán TANDTC cân nhắc một cách hợp lý khi ban hành các nghị quyết hay văn bản hướng dẫn công tác xét xử đối với các vụ tranh chấp liên quan đến HĐBH./.
 

(Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam)