Mở rộng cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp bảo hiểm
Đinh Hoài Thu,
Mở đầu cho xu hướng đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm ra nước ngoài là Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), với việc tham gia góp vốn thành lập Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt tại Lào năm 2008 với các đối tác BCEL, LVB. Sau đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện (PTI) cũng góp vốn cùng Ngân hàng Phát triển Lào (LDB) thành lập Công ty Bảo hiểm Lane Xang năm 2010.
Hiện tại, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên thị trường bảo hiểm có 3 doanh nghiệp bảo hiểm là: Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đầu tư thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Lào và Campuchia.
Theo quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư ra nước ngoài từ nguồn vốn chủ sở hữu dưới hình thức thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài, thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài.
Việc đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt sang các thị trường nước ngoài mới chỉ tập trung vào thị trường ASEAN, đặc biệt là các nước như Lào, Campuchia hay Myanmar với các điều kiện thuận lợi về chính trị, cấp phép đầu tư, sự gần gũi về địa lý và liên quan về văn hóa, lịch sử. Sự mở rộng của bảo hiểm ở các nước này đa phần là bám theo chiến lược của các cổ đông lớn để có sự hỗ trợ về tài chính, quan hệ,…
Theo thống kê, sau gần 30 năm, hoạt động đầu tư ra nước ngoài (trong đó có lĩnh vực bảo hiểm) của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong năm 2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm là hơn 430 triệu USD, lũy kế hơn 22 tỷ USD.
Trong Diễn đàn Thúc đẩy đầu tư – thương mại – du lịch Khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia mới đây, Bộ Tài chính cũng đưa ra báo cáo đề xuất hợp tác định hướng đến năm 2030, sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu đầu tư ra các thị trường bảo hiểm nước ngoài (trong đó có Lào và Campuchia) để mở rộng cơ hội kinh doanh. Trong đó tập trung vào các địa bàn có tiềm năng và thuận lợi trên nguyên tắc đầu tư đã được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.