Liệu bảo hiểm có lừa đảo?
Đinh Hoài Thu,
Câu chuyện về việc “Bảo hiểm có lừa đảo hay không?” là điều mà rất nhiều khách hàng trước khi tham gia bảo hiểm phân vân, suy nghĩ. Họ lo sợ cho quyền lợi của bản thân cũng như lo sợ về mức độ uy tín của các công ty bảo hiểm. Vậy các công ty bảo hiểm có thực sự lừa đảo hảy không?
Sự phát triển của xã hội và công nghệ đang từng bước góp phần nâng cao chất lượng sống hàng ngày, giúp mang tới nhiều sự lựa chọn cho mỗi người. Cùng với đó, nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn cũng tăng lên. Chính vì thế, lựa chọn mua bảo hiểm là một cách để dự phòng cho những biến cố có thể xảy đến với bạn và những người thân trong tương lai. Vậy nhưng, không phải ai cũng được trải nghiệm dịch vụ tuyệt vời. Đó là cách câu nói “bảo hiểm lừa đảo” ra đời.
Có rất nhiều lý do được đưa ra để lý giải cho việc này. Thứ nhất chính là nhân viên bán bảo hiểm chưa giải thích một cách đầy đủ, chi tiết, chính xác dẫn đến việc khi sự cố bảo hiểm xảy ra, khách hàng lại rơi vào những điểm loại trừ không được nhận bồi thường. Ác cảm của khách hàng sẽ dần lớn lên, họ bắt đầu có suy nghĩ rằng bảo hiểm lừa đảo.
Thứ hai là do khách hàng chưa tìm hiểu kỹ đã tham gia bảo hiểm. Các trường hợp không được bồi thường phần lớn đến từ lý do khách hàng không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm. Điều này dẫn đến việc khi không được các công ty bảo hiểm chi trả bồi thường thì lại nghĩ công ty cố tình che dấu và lừa đảo không chịu bồi thường.
Thứ ba, khách hàng không trung thực khi kê khai thông tin. Theo ông Ngô Trung Dũng – Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết những hành vi như không thông báo thông tin kịp thời về những thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm, hoặc những thay đổi này thuộc phạm vi loại trừ bảo hiểm, nếu xảy ra thiệt hại không được chi trả quyền lợi bảo hiểm… trở thành những tranh chấp phổ biến giữa các khách hàng và công ty bảo hiểm hiện nay.
Cuối cùng, không thể không kể đến lý do truyền thông. Trong nhiều trường hợp, các tranh chấp về bồi thường còn chưa được xử lý thấu đáo đã được đưa lên báo chí hay các mạng xã hội gây ra những hiểu nhầm không đáng có. Ở tình huống này, nếu các công ty bảo hiểm xử lý truyền thông không khéo léo sẽ gây ra những hoài nghi thậm chí chịu sự phẫn nộ từ nhiều người.
Tuy nhiên, có thật “bảo hiểm mua dễ, khó đòi” hay không? Trên thực tế, khi giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, các công ty bảo hiểm luôn tính đến cả hai yếu tố “lý” và “tình” bởi dựa vào “lý” để đảm bảo việc giải quyết được thực thi theo đúng quy định của pháp luật, còn “tình” là để đảm bảo tính nhân văn của bảo hiểm. Nhiều trường hợp các công ty bảo hiểm nhanh chóng chi trả bồi thường, giúp khách hàng sớm khắc phục hậu quả do tổn thất. Bồi thường kịp thời vừa mang lại sự hài lòng cho người trong cuộc vừa kịp thời giúp người dân gặp nạn giảm một phần gánh nặng, ổn định tinh thần sau những tổn thất, mất mát. Không chỉ làm tốt trong việc bồi thường, các công ty bảo hiểm hiện nay cũng chú trọng vào các hoạt động cộng đồng, đóng góp cho xã hội. Các hoạt động như: hỗ trợ xây dựng các công trình trường học, tặng phòng học, tài trợ thiết bị giáo dục, thiết bị y tế hay tặng các gói bảo hiểm… đang được các công ty bảo hiểm đẩy mạnh triển khai. Ngành bảo hiểm cũng là ngành tạo công việc cho hàng chục nghìn người lao động. Hiện tại, các công ty bảo hiểm vẫn đang nỗ lực hết sức thay đổi nhận thức “bảo hiểm là lừa đảo” thông qua những đóng góp nhất định cho xã hội.
Đã đến lúc mọi người nên có cái nhìn công bằng hơn dành cho ngành bảo hiểm. Rõ ràng, không có công ty bảo hiểm lừa đảo, bởi vì ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa công ty bảo hiểm và khách hàng được thể hiện duy nhất tại Hợp đồng bảo hiểm. Nếu công ty bảo hiểm không thực hiện đầy đủ cam kết, khách hàng có thể yêu cầu pháp luật đứng ra bảo vệ mình. Điều bạn cần quan tâm đó là hiểu đúng nhu cầu và hoàn cảnh cá nhân, từ đó có thể đánh giá, so sánh và lựa chọn được sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HIỂM BƯU ĐIỆN - PTI