Làm rõ nghi vấn đa cấp trong kinh doanh bảo hiểm
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Ngoài những ý kiến về việc một số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ bị mạo nhận là đối tác, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đang nổi lên hình thức đa cấp trong kinh doanh bảo hiểm.
Đại lý bảo hiểm
Thời gian qua, có một số công ty mới thành lập đăng ký kinh doanh đại lý và môi giới bảo hiểm với nhiều biểu hiện bị hiểu là hoạt động theo mô hình đa cấp. Thông tin từ các tài liệu tuyên truyền, hội thảo nhằm mục đích tuyển dụng đội ngũ tư vấn, bán bảo hiểm của các công ty này, trong đó có Công ty TNHH Insulife, CTCP Best Life (thành lập ngày 22/3/2019), CTCP Active Life (thành lập ngày 29/3/2019) được một số diễn giải như vậy.
Cụ thể, người tham gia hệ thống đầu tiên phải đóng tiền (tự mua hay bán được sản phẩm) để trở thành thành viên, sau đó phát triển hệ thống bán hàng và hưởng hoa hồng (hoa hồng giới thiệu trực tiếp, hoa hồng gián tiếp, hoa hồng cân cặp, hoa hồng lãnh đạo…). Cá nhân chỉ cần đạt được doanh số bán hàng (tuỳ từng công ty, từ 5 triệu đồng, 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng) là trở thành tư vấn viên bảo hiểm, đi bán bảo hiểm và hưởng các chính sách hoa hồng của công ty.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Bá Cảnh, Tổng giám đốc Best Life khẳng định, Công ty không hoạt động theo mô hình đa cấp, vì thực chất Best Life không thu tiền về, tiền thuộc về DNBH nơi Công ty đang hợp tác. Về bảng thu nhập hình tháp có in logo của Best Life và được cho là do người của Best Life thiết kế, ông Cảnh cho rằng, có thể đó là cách diễn đạt sao cho dễ hiểu nhất của đội ngũ bên dưới mà bản thân lãnh đạo cấp cao chưa thể kiểm soát được, chứ không phải chính sách chính thức của Công ty.
Một số công ty có đăng ký kinh doanh đại lý bảo hiểm khác cũng được cho là hoạt động theo mô hình đa cấp, trong đó có CTCP BRICS Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lê Thế Khoa, Tổng giám đốc Công ty cho biết, BRICS hoạt động theo mô hình tổng đại lý bảo hiểm được gần 2 năm, chứ không phải là đa cấp.
“Chúng tôi trả thưởng dựa trên chính sách trả thưởng của DNBH, chứ bản thân Công ty không tự chi trả, nên không thể gọi là đa cấp”, ông Khoa nói.
Trước đây, khi mới gia nhập thị trường, CTCP TC Advisors (TCA) cũng bị “dính” tin đồn đa cấp, nhưng hiện nay, mô hình hoạt động của công ty này đã rõ ràng, không còn gây hoài nghi.
Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch HĐQT TCA khẳng định, Công ty không hoạt động theo mô hình đa cấp, mà bán bảo hiểm cho nhiều hãng bảo hiểm cùng một lúc. Mô hình này được các nước áp dụng rộng rãi, nhưng còn mới tại Việt Nam. TCA hiện là đối tác bảo hiểm của 4 DNBH là Generali, Hanwha Life, Sun Life và Liberty.
Công ty bảo hiểm
Có ý kiến cho rằng, một số DNBH có dấu hiệu bán hàng đa cấp. Về vấn đề này, ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA nhìn nhận, mô hình kinh doanh tại các DNBH hiện nay không phải là đa cấp.
“Các DNBH nhân thọ không phân phối một sản phẩm chạy lòng vòng qua nhiều tầng cấp, không đẩy giá thành lên cao, mà chỉ quản lý theo nhiều tầng cấp. Khách hàng bảo hiểm là duy nhất (người được bảo hiểm), không chuyển từ người này qua người khác. Ngoài ra, thu nhập từ việc kinh doanh đại lý bảo hiểm là do DNBH quyết định, trả cho đại lý, chứ đại lý không tự ý quyết định về các khoản thu nhập này của mình. Không thấy dấu hiệu bán hàng đa cấp trong lĩnh vực bảo hiểm”, ông Nguyên nói.
Mô hình kinh doanh đa cấp được pháp luật cho phép, nhưng các công ty kinh doanh đa cấp phải được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp mới được phép kinh doanh.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.