Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng Khung tiêu chuẩn năng lực
Đinh Hoài Thu,
Bộ Tài chính khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ và DN môi giới bảo hiểm áp dụng Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn do Bộ Tài chính mới ban hành, nhằm giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam phát huy tiềm lực, duy trì cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Sáng 24/6, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính phối hợp với Viện Bảo hiểm, tài chính Úc và New Zealand (ANZIIF) tổ chức hội thảo giới thiệu Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn đối với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ và DN môi giới bảo hiểm.
Chuẩn hóa kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, nhân viên bảo hiểm
Hội thảo nhằm giúp các DNBH phi nhân thọ, DN môi giới bảo hiểm và các bên liên quan hiểu rõ được cấu trúc, cách thức sử dụng và việc nghiên cứu, áp dụng Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn tại doanh nghiệp của mình.
Vào cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn đối với DNBH phi nhân thọ và DN môi giới bảo hiểm. Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn được xây dựng nhằm khuyến khích các DNBH phi nhân thọ và DN môi giới bảo hiểm thống nhất và chuẩn hóa các kiến thức, kỹ năng và năng lực cần thiết của cán bộ, nhân viên theo vị trí, cấp bậc trong từng nhóm công việc; phục vụ cho việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và chứng chỉ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên. Các DNBH phi nhân thọ và DN môi giới bảo hiểm có thể sửa đổi và điều chỉnh Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của mình.
Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn được xây dựng dựa trên việc xác định các nhóm công việc, các vai trò công việc, làm cơ sở xây dựng các bản mô tả công việc quy định năng lực cốt lõi và năng lực theo vai trò đối với cán bộ của DNBH phi nhân thọ và DN môi giới bảo hiểm tại mỗi công việc, như: thẩm định bảo hiểm, bồi thường, tái bảo hiểm, bán hàng và quản lý bán hàng, quản trị tuân thủ…
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, bảo hiểm là một ngành dịch vụ tài chính có tính đặc thù cao. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm yêu cầu các DNBH phải xây dựng được niềm tin và uy tín với khách hàng, người hành nghề bảo hiểm cần phải có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm tương ứng với mảng nghiệp vụ được triển khai.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển không ngừng, song hành cùng sự phát triển về các dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm, đó là việc nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực của ngành bảo hiểm Việt Nam. Để đạt được điều đó, việc áp dụng Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn là điều cốt yếu để thị trường bảo hiểm Việt Nam có thể phát huy được tiềm lực và duy trì cạnh tranh trong thị trường toàn cầu hóa những năm tới đây.
Nguồn nhân lực quyết định sự phát triển của thị trường bảo hiểm
Ông Bùi Gia Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, để thực hiện đề án tái cơ cấu thị trường bảo hiểm, chúng ta phải đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, việc ban hành Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn đối với DNBH phi nhân thọ và DN môi giới bảo hiểm là hết sức cần thiết.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, đơn vị này hiện đang áp dụng 2 khung năng lực cốt lõi dành cho các nhân sự do tập đoàn quản lý (cấp lãnh đạo) và khung năng lực cốt lõi dành cho các nhân sự cấp phó ban trở xuống. Do vậy, đơn vị sẵn sàng áp dụng Khung năng lực tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ vì đã có kinh nghiệm trong thực tiễn. Tuy nhiên, do đặc thù mỗi công ty khác nhau, nên việc áp dụng ngay những khung năng lực này còn hạn chế.
Đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đề xuất, Bộ Tài chính triển khai thí điểm ở 1 - 2 khung năng lực cơ bản có mẫu số chung cho toàn bộ các công ty bảo hiểm, sau khi thí điểm đánh giá, chỉnh sửa và bổ sung các năng lực khác, phù hợp hơn với mô hình của từng công ty.
Theo bà Lưu Phương Lan - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện, việc Bộ Tài chính ban hành Khung tiêu chuẩn năng lực chuyên môn chung sẽ giúp các DNBH Việt Nam có một chuẩn chung trong kinh doanh, chuẩn chung về trình độ nhân sự, từ đó, thông qua công tác đào tạo sẽ giúp nâng cao cũng như đảm bảo tính đồng đều về trình độ nhân sự của các DNBH nói riêng, của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung. Điều này sẽ giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam tiệm cận dần với trình độ quốc tế, tăng chất lượng và hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện cho việc hội nhập và mở rộng ra thị trường khu vực.
Bà Lưu Phương Lan đề nghị cần tiếp tục hoàn chỉnh lại bộ khung năng lực, trong đó, rà soát lại trách nhiệm và năng lực của một số vị trí cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cần có lộ trình triển khai cụ thể; có chính sách khuyến khích với các doanh nghiệp triển khai áp dụng và kế hoạch, chương trình đào tạo nhân sự theo các cấp độ của chuẩn khung năng lực…/.
(Theo Thời báo tài chính Việt Nam)