Khó như khai thác bảo hiểm bảo lãnh
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Là sản phẩm rất phổ biến ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, tại Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh vẫn còn quá mới mẻ dù được nhiều doanh nghiệp ra “quyết tâm” triển khai như một cách tạo sự khác biệt, mang lại lợi thế cạnh tranh.
Theo số liệu ước tính của các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến hết năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm gốc của bảo hiểm bảo lãnh toàn thị trường mới chỉ chiếm khoảng 0,1%/tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm. Năm 2017, doanh thu của nghiệp vụ này chỉ chiếm khoảng 0,07%. Doanh thu của nghiệp vụ này ở những thị trường khác, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, dao động từ 1,5 đến 2%/tổng doanh thu toàn thị trường phi nhân thọ.
Tương tự như hình thức bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh là nghiệp vụ mà công ty bảo hiểm (bên bảo lãnh) dùng năng lực tài chính, uy tín của mình cam kết bằng văn bản với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) về việc bạn hàng của họ (bên được bảo lãnh) sẽ thực hiện đúng các nghĩa vụ theo hợp đồng, nếu không, công ty bảo hiểm sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng.
Trong trường hợp công ty bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ thay cho khách hàng thì khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho công ty bảo hiểm số tiền đã trả thay. Bảo hiểm bảo lãnh phát triển, khách hàng có thêm một lựa chọn về sản phẩm với chi phí hợp lý, mức ký quỹ và tài sản bảo đảm thấp,…
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện nay trên thị trường bảo hiểm chỉ có 8/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam đăng ký kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh. Những dịch vụ bảo lãnh đã được thực hiện đa phần là bảo lãnh cho nhà thầu nước ngoài hoặc bảo lãnh cho các nhà thầu xây dựng công trình nội ngành… Tuy nhiên, hiện chỉ có Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Công ty Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI) phát sinh doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm này.
BIC đang cung cấp các loại hình bảo hiểm bảo lãnh cho quá trình thực hiện hợp đồng, từ khâu tham gia dự thầu đến khi kết thúc thời hạn bảo hành hoặc bảo trì của hợp đồng, gồm: Bảo lãnh dự thầu; Bảo lãnh thực hiện hợp đồng; Bảo lãnh tiền tạm ứng; Bảo lãnh bảo hành/bảo trì.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm, số lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều vì đây là phân khúc chuyên biệt, ngoài việc phải có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với các cam kết bảo lãnh, còn đòi hỏi nhân viên khai thác nhiều kỹ năng, kinh nghiệm về phân tích tài chính doanh nghiệp/thẩm định dự án…
“Khó khăn này cũng chính là một lợi thế vì phân khúc này không có sự cạnh tranh gay gắt như các nghiệp vụ bảo hiểm khác”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Theo báo cáo, thị phần tổng doanh thu của bảo hiểm bảo lãnh còn rất khiêm tốn (0,1% tổng doanh thu phí) nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất khả quan. Nếu như năm 2017, theo con số ước tính của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng doanh thu toàn thị trường của bảo hiểm bảo lãnh đạt hơn 28 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 5,02% so với năm 2016 thì năm 2018 doanh thu nghiệp vụ này đã ước đạt 45,8 tỷ đồng tăng trưởng khoảng 60% so với năm 2017.
Ðược biết, mới đây, BIC và SGI đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ nhằm phát triển bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam. Cụ thể, BIC và SGI sẽ hợp tác trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam. Ngoài hợp tác phát triển thị trường, hai bên cũng sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước cải tiến, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để tạo điều kiện cho sự phát triển của bảo hiểm bảo lãnh.