Giám định viên – Nghề nguy hiểm
Đinh Hoài Thu,
Hợp đồng bảo hiểm được ký kết xong cũng là lúc trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc chi trả quyền lợi bảo hiểm giữa công ty bảo hiểm và khách hàng được hình thành. Quá trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm này có thành công hay không lại phụ thuộc rất lớn vào công tác giám định. Công việc của một Giám định viên Bảo hiểm (Giám định viên) chính là trực tiếp xuống hiện trường ghi nhận một cách khoa học và trung thực mức độ thiệt hại, tổn thất, nguyên nhân gây ra…. Có thể nói rằng, đội ngũ Giám định viên chính là những người đại diện cho Doanh nghiệp bảo hiểm tới gặp khách hàng. Họ chính là những đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nghề giám định không “màu hồng” như nhiều người vẫn nghĩ. Đây là công việc cần sự cố gắng không ngừng của các giám định viên. “Đã làm giám định, bạn phải xác định là sẽ “lên đường” vào bất kỳ thời gian nào, giữa trưa hè nắng nóng, hay nửa đêm lạnh buốt, trong ngày nghỉ lễ Tết” – anh Tuấn giám định viên của PTI tại Hà Nội chia sẻ. Đó chỉ là một trong những khó khăn và vất vả của các giám định viên. Nhiều người vẫn nghĩ công việc của giám định viên chỉ đơn giản là ra hiện trường ghi chép, chụp hình, có quyền lực lớn trong việc quyết định bồi thường bao nhiêu, nhưng, có lắng nghe các giám định viên chia sẻ về những tâm tư, khó khăn mình gặp phải mới thấy quả thật giám định viên không phải là một công việc dễ dàng, thậm chí có thể nói đó là một nghề nguy hiểm.
Theo kết quả khảo sát mới đây nhất do PTI thực hiện, có đến 80% giám định viên cho rằng nguy cơ lớn nhất của giám định chính là an toàn cho bản thân. Đó chính là mối lo thường trực của mỗi giám định viên bởi họ gặp quá nhiều nguy cơ khi thực thi công việc. Có không ít trường hợp giám định viên bị tai nạn trên đường đi làm nhiệm vụ. Có những trường hợp địa điểm tổn thất xảy ra cách xa hàng trăm km, ô tô không kịp điều động, khách hàng cần phải hỗ trợ sớm, nhiều giám định buộc phải chạy xe máy giữa đêm để đến phục vụ khách hàng. Thời tiết càng nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao thì cũng là thời điểm mà giám định viên phải đi giám định nhiều nhất. “Có những trận ngập lớn tại Hà Nội, phòng giám định của chúng tôi có 5 anh em đều phải huy động hết để kịp phục vụ khách hàng, nhiều khi dầm mình trong nước ngập từ 8h tối đến 2h sáng mới xong”.
Chưa kể, nếu vô tình gặp phải những khách hàng khó tính, không hiểu cho tính chất công việc, giám định viên có nguy cơ bị chính khách hàng gây sức ép, xô xát gây ra thương tích thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe. “Nhiều khi chúng tôi vẫn hay đùa với nhau rằng, giám định viên bên cạnh phải nắm chắc nghiệp vụ còn cần thêm khả năng “ù té quyền” nếu không may gặp những khách hàng nóng tính”.
Đôi khi, khó khăn của các giám định viên cũng đến từ chính đồng nghiệp khi tư vấn cho khách hàng không đầy đủ, rõ ràng các quyền lợi khiến khách hàng nghĩ rằng họ sẽ luôn được bồi thường. Do đó, chỉ cần giám định viên đưa ra kết quả gây bất lợi, họ có thể sẽ bị khách hàng mắng mỏ, đe dọa hay hành hung. Chính vì vậy, giám định viên vừa phải có tinh thần “thép” để vững vàng trước những sức ép rất lớn của khách hàng, lại vừa phải kiên nhẫn và mềm dẻo để thuyết phục khách hàng tuân thủ theo đúng quy định của hợp đồng ký kết. Ít ai hiểu được rằng, giám định viên họ cũng phải chịu KPIs hàng tháng, nếu họ làm không đúng quy định thì bản thân họ cũng sẽ bị trừ điểm KPIs, bị đánh giá về năng lực làm việc. Do kết quả giám định là cơ sở để các doanh nghiệp tiến hành chi trả bồi thường đồng thời hạn chế trục lợi bảo hiểm, nên giám định viên phải rất cẩn trọng trong từng hoạt động của mình.
Nghề giám định bảo hiểm có những vất vả đặc thù mà không phải ai cũng hiểu được thấu đáo. Mặc dù không hề dễ dàng, thế nhưng họ vẫn rất yêu nghề, nhiệt huyết cống hiến. “Công việc giám định là một công việc rất thú vị, cho phép anh gặp được nhiều người với nhiều kiểu tính cách khác nhau để từ đó rèn giũa được tính cách của chính mình. Mỗi một sự kiện bảo hiểm lại đòi hỏi phải có kỹ năng giải quyết cứng rắn hoặc mềm mỏng. Thế nhưng anh tin rằng, với những người có đạo đức tốt, có tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, luôn cầu tiến trong công việc thì hoàn toàn có thể sống đàng hoàng với nghề.” Đó cũng là điều mà các giám định viên đi trước mong muốn truyền đạt cho thế hệ trẻ tiếp theo, bởi lẽ giám định viên chính là yếu tố quan trọng để tạo dựng nên hình ảnh một PTI chuyên nghiệp, tận tâm trong lòng khách hàng.
TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HIỂM BƯU ĐIỆN