Điều hòa ô tô không mát - Nguyên nhân và cách xử lý
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Điều hòa ô tô không mát, đâu là nguyên nhân? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Làm gì khi điều hòa ô tô không mát?
- Vệ sinh, thay mới lọc gió điều hòa khi xe giảm mát. Chi phí thay mới khoảng vài trăm nghìn đồng tùy dòng xe.
- Kiểm tra gas điều hòa, bổ sung thay mới nếu cần thiết. Chi phí nạp gas điều hòa khoảng 500.000 đồng.
- Vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh điều hòa. Chi phí bảo dưỡng dàn nóng, dàn lạnh khoảng 800.000 đồng.
- Kiểm tra lốc điều hòa, thay mới nếu hỏng hóc nặng. Chi phí thay lốc điều hòa ôtô dao động khoảng 10 triệu đồng
Ngoài những chi tiết kể trên, tùy vào trường hợp cụ thể, những người thợ sẽ có các biện pháp khác nhau để khôi phục điều hòa ôtô khi giảm mát hoặc không còn mát.
Vệ sinh, thay thế lọc gió điều hòa
Khi cabin giảm mát, dù đã bật điều hoà với chế độ gió cao nhất hoặc có mùi khó chịu khi lái xe, tấm lọc gió điều hoà nên được kiểm tra, vệ sinh và thay thế. Thời gian thay thế lọc gió khác nhau theo khuyến cáo của từng nhà sản xuất và tuỳ vào điều kiện vận hành của xe. Ở những môi trường nhiều khói bụi hơn thông thường, thời gian thay thế lọc gió có thể ngắn hơn.
Lọc gió cabin được đặt ở phía sau ngăn chứa đồ bên ghế hành khách trước. Với quãng đường vận hành khoảng 16.000 đến 24.000 km, người dùng nên thay mới bộ phận này. Bụi bẩn bám trên lọc gió sẽ làm giảm lượng không khí lưu thông, dẫn đến tình trạng giảm mát trong cabin.
Vệ sinh lọc gió thường xuyên hoặc thay thế mới khi quá bẩn sẽ giúp cải thiện khả năng làm mát của xe, nếu các bộ phận khác của hệ thống điều hoà vẫn hoàn hảo. Sau khi vệ sinh, thay thế lọc gió mà xe vẫn không mát như mong muốn, các bộ phận bên dưới nên được kiểm tra.
Kiểm tra toàn bộ hệ thống điều hòa
Đối với những người thợ kinh nghiệm, chỉ cần đo áp suất bằng đồng hồ, có thể xác định tương đối lý do khiến điều hoà không mát. Theo ông Mai Xuân Lợi, thợ sửa điều hoà ôtô gần 40 năm tại Hà Nội, toàn bộ hệ thống điều hoà cần được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên, đặc biệt ở những môi trường nhiều bụi bặm. Trong quá trình bảo dưỡng điều hoà, những người thợ sẽ tiến hành vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh và vệ sinh các bộ phận có liên quan.
Dàn nóng điều hoà sẽ được vệ sinh, thông rửa bằng xăng. Trong trường hợp bộ phận này bụi bẩn nhiều, khả năng làm lạnh sẽ kém, gây hại lốc, động cơ vận hành ì hơn và tiêu hao nhiên liệu.
Ông Lợi khuyến cáo dàn nóng nên được vệ sinh, thông rửa bằng xăng thay vì dùng hoá chất. Bởi bên trong dàn nóng có dầu, xăng sẽ làm loãng dầu, có khả năng bay hơi nhanh nên hiệu quả cao.
Thời gian vệ sinh dàn nóng kéo dài khoảng 30-40 phút, với số lượng xăng lên đến khoảng 40-50 lít xăng. Tuy nhiên, số xăng này được chạy tuần hoàn thông qua một máy chuyên dụng, nên không tốn kém nhiều.
Cùng với vệ sinh dàn nóng, những người thợ tiến hành vệ sinh dàn lạnh. Theo thời gian sử dụng, dàn lạnh của xe có thể gặp bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn gây mùi khó chịu và có thể khiến người dùng mắc bệnh hô hấp.
Do đó, bộ phận này cũng cần được làm sạch, theo khuyến cáo 1 lần/năm hoặc mỗi 12.000 km. Dàn lạnh cũng được làm sạch bằng xăng tương tự dàn nóng. Dàn lạnh sạch làm tăng khả năng làm mát và bớt mùi khó chịu trong quá trình sử dụng xe.
Trong quá trình vệ sinh hệ thống điều hoà, những người thợ cũng tiến hành vệ sinh phần vỏ của dàn lạnh. Quá trình này chủ yếu dùng nước để làm sạch bụi bẩn, tích tụ trong thời gian sử dụng.
Trường hợp không mong muốn nhất khi điều hoà không mát là hỏng lốc (máy nén), bởi đây là bộ phận có chi phí sửa chữa, thay thế cao hơn cả, gần 10 triệu. Khi lốc hỏng, hệ thống điều hoà sẽ tê liệt, không còn khả năng làm mát.
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏng lốc điều hoà như sử dụng loại gas không đúng chất lượng, hoạt động liên tục với tần suất cao hay bị thay thế hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chi phí thay thế bộ phận này lên đến cả chục triệu đồng, tuỳ loại xe và nhà sản xuất. Lốc điều hoà khi thay mới sẽ được bơm dầu bôi trơn đúng chuẩn để đảm bảo sự bền bỉ trong quá trình vận hành.
Sau khi hoàn tất các quá trình vệ sinh và thay thế lốc (nếu cần thiết), những người thợ sẽ bơm gas và kiểm tra hệ thống làm mát trong xe lần cuối cùng. Gas được bơm vừa đủ cho hệ thống điều hoà, bởi nếu bơm thừa có thể dẫn đến hỏng lốc hoặc làm mát không hiệu quả.
Theo khuyến cáo của thợ điều hòa, tài xế nên điều chỉnh lấy gió trong khi chạy xe, để tăng thêm độ bền cho hệ thống làm mát. Bên cạnh đó, khi vận hành xe với tần suất cao, quãng đường dài liên tục và trong môi trường nhiều bụi bẩn, điều hòa nên được bảo dưỡng 1 lần/năm để kiểm tra toàn bộ và tăng hiệu năng sử dụng.