Đầu tư bảo hiểm trực tuyến, doanh nghiệp phi nhân thọ “giữ đất chờ thời”
Đinh Hoài Thu,
Insurtech đang cho thấy sức hấp dẫn nên các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống không thể đứng ngoài cuộc.
Tuy nhiên, hiện nay, đa phần doanh nghiệp lựa chọn cách thâm nhập thị trường này chủ yếu là để tạo thêm “sân chơi” cho khách hàng, với bước khởi đầu là “nửa trực tuyến, nửa truyền thống” như nhập liệu online, đối soát online với các đối tác hợp tác…
Ðể khách hàng có thể tin tưởng và lựa chọn kênh bảo hiểm trực tuyến, nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ đang đẩy mạnh đầu tư cho các công cụ online như ứng dụng trên điện thoại (mobile app) hay hợp tác với các ứng dụng bán bảo hiểm trực tuyến…, nhưng thực tế, chưa doanh nghiệp nào thực sự “chơi lớn” để tạo nên sự đột biến trên thị trường.
Một trong những lý do khiến doanh nghiệp phi nhân thọ chưa rót vốn mạnh vào bảo hiểm trực tuyến, đó là chi phí.
Ðể xây dựng được hệ thống bán bảo hiểm online, không chỉ đơn thuần là một website bán hàng, mà còn là một loạt các cấu phần khác như phần mềm đối soát, thanh toán, kết nối API với hệ thống lõi của bảo hiểm, mobile app…Những yếu tố công nghệ này đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp phi nhân thọ cho biết, số tiền đầu tư dành riêng cho phần công nghệ thông tin có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ðó là chưa kể nhiều khoản mục đi kèm khác như nhân sự vận hành hệ thống, marketing, quảng cáo sản phẩm…
Theo vị này, khác với những lĩnh vực khác, nhân sự Insurtech phải vừa am hiểu công nghệ thông tin, vừa hiểu sâu về sản phẩm bảo hiểm để có thể xây dựng, đóng gói những sản phẩm mới phù hợp với hành vi và nhu cầu mua hàng online. Ðể tập hợp được những nhân sự này là không đơn giản.
“Các chương trình marketing cũng tiêu tốn vài tỷ đồng mỗi tháng. Với đặc thù gần như không có hoạt động marketing của thị trường phi nhân thọ truyền thống thì số tiền này không hề nhỏ, nhưng nếu không làm thì khó có thể bán được hàng vì người tiêu dùng Việt Nam vốn không mấy quen với việc chủ động mua bảo hiểm online, mà thường mua qua người quen. Khi đó, nhà bảo hiểm buộc phải có những chương trình khuyến mại thực sự hấp dẫn để hút khách hàng”, vị lãnh đạo trên phân tích.
Mặt khác, với mặt bằng lợi nhuận khoảng một hai trăm tỷ tổng mỗi năm của các doanh nghiệp phi nhân thọ hiện nay, việc đầu tư vài chục tỷ đồng vào hệ thống công nghệ rõ ràng là vấn đề rất đáng cân nhắc.
Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu từ kênh bán hàng này rất thấp, chỉ chiếm khoảng 2-3% trong tổng doanh thu bảo hiểm.
Ðầu tư nhiều mà doanh thu chẳng đáng bao nhiêu, nên dễ hiểu việc nhà bảo hiểm chỉ đầu tư cầm chừng, cho dù Insurtech là xu hướng tất yếu khi cách mạnh công nghiệp 4.0 bùng nổ.
Thực tế, cách đây vài năm, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) được xem là doanh nghiệp “chịu chơi” nhất trong mảng bảo hiểm trực tuyến khi mạnh tay đầu tư cho hệ thống công nghệ với hàng loạt tính năng mới, đi kèm nhiều chương trình khuyến mại phí bảo hiểm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, PTI đã hạn chế rót vốn vào mảng này và chuyển sang hợp tác với các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp vận tải để tiết giảm chi phí.
Hay như hãng bảo hiểm Opes, một “tân binh” với định vị là doanh nghiệp bảo hiểm trực tuyến hoàn toàn, hiện cũng chưa để lại “dấu ấn” nào trên thị trường sau gần 1 năm ra mắt.
Trong khi đó, một doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống là Bảo Minh đang có những thay đổi về chiến lược phát triển với kỳ vọng sẽ đóng vai trò là doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến chi phí y tế thông qua việc triển khai phần mềm khám chữa bệnh trực tuyến với đối tác Doctor Anywhere.
Ðược biết, Bảo Minh đã đẩy mạnh việc bán các sản phẩm bảo hiểm qua kênh trực tuyến của hãng từ vài năm nay.
Thị trường bảo hiểm trực tuyến mặc dù được đánh giá tiềm năng, nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm, để kênh này tạo ra dòng doanh thu lớn thì cần phải chờ 3-5 năm tới. Bởi vậy, việc đầu tư vào bảo hiểm trực tuyên hiện tại được xem là hành động “giữ đất chờ thời” của các doanh nghiệp phi nhân thọ.
Theo Đầu tư chứng khoán