Công bố các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Nhiều giao dịch trong lĩnh vực chứng khoán, thuế, thu chi ngân sách phải thanh toán qua ngân hàng
Cụ thể, các giao dịch bắt buộc thanh toán qua ngân hàng trong lĩnh vực chứng khoán gồm: giao dịch chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán; giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; giao dịch chứng khoán cho khách hàng của công ty chứng khoán được thực hiện qua ngân hàng thương mại; thanh toán giao dịch trái phiếu Chính phủ được thực hiện qua NHNN.
Trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước (NSNN), các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại thực hiện nộp NSNN bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp bằng tiền mặt tại ngân hàng thương mại để chuyển nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Đối với các cá nhân và các đơn vị, tổ chức khác khi thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN phải ưu tiên thanh toán bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Về chi NSNN và các khoản chi khác, các khoản chi của các đơn vị giao dịch với KBNN được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN tới tài khoản của người cung cấp hàng hoá dịch vụ, người hưởng lương từ NSNN và người thụ hưởng khác từ KBNN hoặc ngân hàng, trừ những trường hợp được phép chi bằng tiền mặt quy định tại Điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC và Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 13/2017/TT-BTC.
Ở lĩnh vực thuế, hàng hoá, dịch vụ mua vào (trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng), hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để người nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) được khẩu trừ thuế GTGT. Hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy đinh của pháp luật) phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được trừ chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nguyên liệu mua trực tiếp của nhà sản xuất phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế tiêu thu đặc biệt. Hàng hoá do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài gồm hàng hoá bán và gia công cho doanh nghiệp chế xuất (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi bán cho doanh nghiệp chế xuất; hàng hoá do cơ sở sản xuất bán hoặc uỷ thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế; hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài) phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, các doanh nghiệp giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác; các doanh nghiệp giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau của các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng thực hiện bằng các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán tiền mặt
Với những hoạt động thuộc phạm vi ngân hàng, NHNN quy định các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch, trừ một số giao dịch sau:
Thanh toán tiền thu mua nông, lâm, thuỷ sản, dịch vụ và các sản phẩm khác cho người dân trực tiếp sản xuất, đánh bắt, khai thác bán ra mà chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; Thanh toán công tác phí, trả lương và các khoản thu nhập khác cho người lao động chưa có tài khoản tại ngân hàng; Các khoản thanh toán để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước; Thanh toán tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực nông thôn nơi chưa có tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; Khoản thanh toán với giá trị dưới 20 triệu đồng, trừ trường hợp các khoản trong ngày có giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích, một đối tượng thanh toán nhưng tổng các khoản thanh toánhơn 20 triệu đồng.
Về giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, NHNN quy định giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng khi: bên thụ hưởng là phán nhân; bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và số tiền vay ghi trong thoả thuận cho vay có giá trị trên 100 triệu đồng.
Các ngân hàng giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay khi: Khách hàng thanh toán, chi trả cho mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng; khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án kinh doanh phục vụ cho đời sống được tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật; khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thuỷ sản từ các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ chức hợp tác trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thoả thuận vay.
Trước đó, ngày 22/7/2019, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo cho biết, xét đề nghị của NHNN báo cáo việc liệt kê và công khai chi tiết Danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu NHNN, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền, đăng tải Danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN và các bộ, ngành có liên quan.
Tại Nghị quyết 02 ngày 1/1/2019, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN trước quý III/2019, báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng. Bên cạnh đó, yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR Code. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản.