Cạnh tranh kép ở phân khúc bảo hiểm sức khỏe
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Không chỉ ở một vài sản phẩm, các doanh nghiệp hai khối đang cạnh tranh nhau ở từng phân khúc khách hàng trong mảng này.
Chẳng hạn, với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, viện phí tai nạn do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thiết kế, ngoài mang tính cạnh tranh nội khối (giữa các doanh nghiệp phi nhân thọ với nhau) thì các sản phẩm này cũng đang phải cạnh tranh với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe độc lập, sản phẩm bảo hiểm ung thư có thời hạn 1 năm của khối nhân thọ đang được triển khai bán trên kênh trực tuyến và các trang thương mại điện tử.
Dòng sản phẩm bảo hiểm các bệnh hiểm nghèo như ung thư hiện cũng không còn là ưu thế của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bởi một số doanh nghiệp khối phi nhân thọ như PTI, Bảo Việt, VBI bắt đầu đẩy mạnh sản phẩm này ra thị trường.
Ngoài việc phát triển các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, viện phí, các bệnh hiểm nghèo cho các đối tượng khách hàng từ trẻ đến trung niên, đối tượng khách hàng hưu trí cũng đang là đối tượng chăm sóc của các công ty bảo hiểm cả phi nhân thọ và nhân thọ.
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội, hiện đang có 2,4 triệu người được nhận lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 30% có tham gia thêm gói bảo hiểm hưu trí, nên theo các doanh nghiệp bảo hiểm, tiềm năng của dòng sản phẩm này vẫn còn khá lớn. Đối với mảng này ở khối phi nhân thọ, hiện mới chỉ có PTI và Bảo Việt là 2 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng doanh thu lớn, còn các doanh nghiệp khác thì gần như không khai thác nhiều.
Tên gọi là “Bảo hiểm hưu trí”, nhưng thực tế đây là sản phẩm tai nạn được xây dựng dành riêng cho đối tượng là những cán bộ đang được hưởng bảo hiểm xã hội. Người cao tuổi là những người dễ có khả năng gặp phải tai nạn, rủi ro trong cuộc sống hơn so với người trẻ, do đó, gói bảo hiểm này sẽ cung cấp hai quyền lợi đó là bảo hiểm sinh mạng (như tai nạn, ốm đau, bệnh tật) và bảo hiểm thương tật do tai nạn.
Với trường hợp tử vong do tai nạn, ốm đau, bệnh tật, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm. Còn với trường hợp thương tật thân thể do tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả theo tỷ lệ thương tật. Mặc dù đây là dòng sản phẩm không có lợi nhuận cao, nhưng chỉ cần tỷ lệ người tham gia tăng lên thì dần dần doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có đủ doanh thu cần thiết để bù lỗ.
Ở phân khúc này một số doanh nghiệp bảo hiểm như Chubb Life cũng đã triển khai sản phẩm Kế hoạch tài chính trọn đời - Quyền lợi cao niên toàn diện” (được cung cấp bởi Aspire Lifestyles - đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn y tế và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là những trường hợp khẩn cấp). Ngoài việc đưa ra những quyền lợi bảo hiểm bệnh nan y, nhà bảo hiểm này còn tặng thêm dịch vụ tư vấn y tế miễn phí 24/7….
Ngoài việc cạnh tranh ở phân khúc khách hàng cá nhân, phát triển sản phẩm cho khách hàng nhóm, doanh nghiệp cũng đang nóng lên từng ngày. “Chúng tôi đang phát triển sản phẩm bảo hiểm nhóm cho khách hàng doanh nghiệp nếu không có gì thay đổi thì khoảng tháng 8, sản phẩm sẽ được chính thức đưa ra thị trường và những tập đoàn tư nhân lớn sẽ là một trong những khách hàng chúng tôi tiếp cận để khai thác sản phẩm này”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.
CEO này cũng nhìn nhận, thực ra đối với sản phẩm bảo hiểm nhóm các công ty bảo hiểm nhân thọ khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp phi nhân thọ, vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm khách hàng từ những công ty con của tập đoàn.
“Doanh thu từ bảo hiểm sức khỏe và con người bán cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng rất tốt. Doanh thu ở mảng này của chúng tôi đang đứng thứ 2 thị trường. Bán bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được chúng tôi khai thác mạnh hơn nữa”, đại diện PTI cho biết.