Các loại bệnh mùa hè ở trẻ em

Cả nước đang trải qua các đợt nắng nóng gay gắt nhất, khu vực miền Bắc nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 41 – 44 độ C. Vì vậy, các bệnh thời tiết như say nắng, cảm lạnh, tiêu chảy, viêm mũi – họng, viêm phổi; các bệnh truyền nhiễm như tả, lỵ, thương hàn, tay – chân – miệng, cúm, sốt xuất, viêm não… gia tăng mạnh. Chúng ta cần lưu ý để phòng ngừa các bệnh này.
Một số  triệu chứng của các bệnh thường gặpBệnh tiêu chảy

 

Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng xảy ra nhiều nhất vào mùa hè vì ruồi nhặng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm, ăn hoa quả sống rửa không sạch. Nếu  thấy các triệu chứng nổi bật như: Số lần đi đại tiện có thể ít (3-5 lần/ngày) hay nhiều (vài chục lần/ngày); Đau bụng (từng cơn hay liên tục, mót rặn hoặc đau quanh hậu môn); Buồn nôn hay nôn.

Một số hội chứng liên quan đến nguyên nhân như hội chứng nhiễm khuẩn (sốt, lưỡi bẩn, mệt nhọc…), nhiễm độc (tùy từng chất, có biểu hiện khác nhau), mất nước và điện giải (khát nước, khô miệng, mắt trũng, da nhăn, tứ chi lạnh, chuột rút, rối loạn nhịp tim, tiểu ít hay không nước tiểu…), trụy tim mạch (mạch nhanh và nhỏ, huyết áp thấp hay không đo được…) thì phải đưa bệnh nhân đến cơ sở để được cấp cứu kịp thời.

Bệnh tay –  chân – miệng

Bệnh  chủ yếu xảy ra ở trẻ em, lây rất nhanh, dễ lan thành dịch làm nhiều người mắc. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não dẫn đến tử vong ở trẻ.
Sau thời gian ủ bệnh từ 3 – 7 ngày, trẻ bắt đầu bị sốt nhẹ, mỏi mệt, kém ăn, đau họng… sau đó xuất hiện những nốt ban màu hồng có đường kính khoảng 2mm, ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi cũng thấy ở mông và cẳng chân. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên cần phải cách ly trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.Bệnh sốt xuất huyết

 

Nếu phát hiện các dấu hiệu: Đột ngột sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên; Nổi chấm đỏ ở da, bầm ở da, chảy máu mũi và chân răng, nôn nhiều, nôn ra máu, phân có máu; Đau bụng nhiều do gan sưng to…; Trong vòng 3 – 6 ngày, bệnh có thể trở nặng với các dấu hiệu: hết sốt nhưng trở nên lừ đừ, lạnh tay chân, tím môi, vã mồ hôi, bứt rứt, nôn nhiều, đau bụng, chảy máu bất thường.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, nên hạn chế nguy cơ bị muỗi vằn đốt bằng cách nằm màn, diệt muỗi và loăng quăng.

Viêm màng não mủ

Viêm màng não là bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi. Trẻ có thể khởi bệnh với các biểu hiện như sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, quấy khóc, nôn trớ. Một số trẻ lại có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như trẻ quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm… Vì thế, nhiều bà mẹ rất dễ nhầm trẻ bị viêm họng, viêm phổi hoặc tiêu chảy… và tự điều trị, không hề nghĩ đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của căn bệnh nguy hiểm viêm màng não mủ.

Bệnh viêm màng não mủ hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Vì thế, khi trẻ có bất cứ một dấu hiệu bệnh lý nào (dù chỉ là ho, sốt, chảy mũi) cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám để loại trừ những bệnh nguy hiểm.

Say nắng

Do cơ thể mất nước nhiều, rối loạn nghiêm trọng về sự điều hoà thân nhiệt do tác động của ánh nắng mặt trời quá gay gắt, đặc biệt khi chiếu vào đầu và gáy. Triệu chứng thường gặp là ngủ lịm, người nóng toàn thân, lên cơn co giật, thân nhiệt lên đến 40 – 42 độ C…

Khi bị say nắng nhanh chóng đưa vào chỗ râm mát, cởi quần áo cho thoáng, quạt mát, cho uống nhiều nước, nếu có thể hãy chườm mát hoặc tắm nước mát, nếu có co giật hãy nhanh chóng xử lý co giật và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Ngộ độc thực phẩm

Thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi thiu, nên ăn cần chế biến kỹ. Những triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm thường là đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy và có kèm theo sốt. Khi có các biểu hiện cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Biện pháp phòng ngừa bệnh mùa hè

– Tắm gội hàng ngày tránh để ngứa ngáy, khó chịu do bụi bặm, mồ hôi ứ đọng nhất là trẻ em; năng thay quần áo mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi nhất là những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm; cũng không để trẻ gãi hay ‘giết’ rôm (sẩy) để tránh làm tổn thương da, nhiễm trùng da.

– Cần uống đủ nước khi làm việc hay đi học trong những ngày nắng nóng; nhớ đội nón, đội mũ rộng vành… để không bị say nắng.

– Không uống nhiều nước đá, không ăn những thức quá lạnh.

– Không để quạt điện xối thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ vì trẻ dễ bị cảm lạnh, càng không nên bật quạt, đi nằm sau khi vừa tắm xong.

Do vậy, để phòng bệnh mùa hè chúng ta phải làm tốt công vệ sinh sạch sẽ nơi ở, ăn chín uống sôi,  thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè là cách tốt nhất để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường ruột, trong đó có một tỷ lệ đáng kể viêm não mà thủ phạm là virut đường ruột (như Enterovirut, ECHO, Coxackie…).