Bảo hiểm xe máy bắt buộc và những điều cần biết

 

Bảo hiểm xe máy bắt buộc là một trong những giấy tờ cần thiết và quan trọng đối với chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít người còn chưa hiểu hết về sản phẩm bảo hiểm này.

Bảo hiểm xe máy bắt buộc là gì?

Bảo hiểm xe máy bắt buộc có tên gọi đầy đủ là Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe môtô - xe máy. Đây là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ra ngày 16/02/2016.

Bảo hiểm xe máy bắt buộc thuộc loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba (bên bị gây tai nạn). Mục đích chính của sản phẩm bảo hiểm này dùng để khắc phục hậu quả tai nạn cho nạn nhân và đảm bảo trách nhiệm của người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông đường bộ. 

Những điều cần biết về bảo hiểm xe máy bắt buộc:

Thay chủ xe chịu trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba

Bảo hiểm xe máy bắt buộc hướng đến việc giúp cho người mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba. Trong các trường hợp xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, người điều khiển xe mô tô, xe máy có bằng lái hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm và cho người ngồi trực tiếp trên xe. Thay vào đó, đơn vị bảo hiểm sẽ thay cho chủ xe tiến hành việc chi trả phần trách nhiệm dân sự này. 

Mặt khác, những thiệt hại về xe và thân thể của chính bản thân chủ phương tiện gây tai nạn sẽ không được bảo hiểm.

Bồi thường cho bên thứ ba dù có lỗi hay không

Với bảo hiểm xe máy bắt buộc, tất cả thiệt hại về thân thể của bên thứ ba đều được công ty bảo hiểm bồi thường dù nạn nhân có lỗi hay không.

Về phương tiện, bên bảo hiểm cần phải căn cứ vào tính chất của tai nạn để xem xét bồi thường cho bên thứ ba. Xe đi đúng luật sẽ nhận được chi trả và ngược lại, sai luật sẽ không được bồi thường. Nếu là lỗi hỗn hợp, việc bồi thường sẽ  dựa theo kết luận của cảnh sát giao thông. 

Các trường hợp loại trừ

Bảo hiểm xe máy bắt buộc TNDS sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau: Hành động cố ý của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại; Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy; Lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp; Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn; Chiến tranh, khủng bố, động đất; Thiệt hại đối với vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

Vì vậy, để có thể vừa thực hiện đúng trách nhiệm dân sự, vừa đảm bảo toàn diện cho bản thân cũng như phương tiện của chính mình khi không may có sự cố, tai nạn gây tổn thất ngoài ý muốn, lời khuyên tốt nhất chính là nên mua thêm những sản phẩm bảo hiểm tự nguyện khác.