Bảo hiểm phi nhân thọ chờ đón cuộc đua thị phần
Đinh Hoài Thu,
(ĐTCK) Dù cách thức phát triển và mục tiêu chiếm lĩnh thị trường có phần khác nhau, nhưng các công ty bảo hiểm đều nhìn nhận, chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tạo sự bứt phá cho hoạt động kinh doanh.
Vượt qua thách thức Covid-19
Việc nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trong năm 2021 khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân bị giảm sút. Đặc biệt, những ngành có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như ô tô, dịch vụ, du lịch, giáo dục… bị ảnh hưởng lớn đã tác động tới toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới - nghiệp vụ vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất - ước tính doanh thu giảm khoảng 10 - 12%, trong khi nghiệp vụ bán lẻ chủ lực thứ hai là bảo hiểm sức khỏe có mức tăng thấp. Điều này khiến chỉ số tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm chung của toàn ngành năm 2021 ước đạt mức thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây, chỉ khoảng 5%, bằng một nửa mức tăng trưởng năm 2020.
Dù kinh doanh khó khăn và không ít chỉ số không đạt kế hoạch, nhưng 2021 lại là một năm hoạt động hiệu quả về mặt lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm.
Cụ thể, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã chứng khoán PGI) ước đạt 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2021, vượt 73% kế hoạch và tăng trên 60% so với năm 2020.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) tiếp tục có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm khi ước đạt lợi nhuận trước thuế trên 400 tỷ đồng trong năm 2021, tăng hơn 10% so với năm 2020.
Tổng công ty Bảo hiểm PVI vừa công bố hoàn thành vượt mốc 10.000 tỷ đồng doanh thu năm 2021 (tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 686,6 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước).
Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước đạt khoảng 307 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch.
Được biết, ngoài phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thông thường, hầu hết công ty bảo hiểm đều có thêm lợi nhuận do hoàn nhập dự phòng phí đối với một số sản phẩm bảo hiểm bán lẻ.
Chờ đón sự thay đổi
Thứ hạng về thị phần và cơ cấu cổ đông của một số hãng bảo hiểm có sự thay đổi lớn trong năm 2021 và điều này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022.
Cuối tháng 12/2021, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã hoàn tất thoái vốn khỏi PTI theo kế hoạch thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 316/TB-VPCP ngày 6/9/2019, Văn bản số 4476/VPCP-DMDN ngày 4/6/2020 và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 3145/BTTTT-QLDN ngày 17/8/2020. Có 3 nhà đầu tư cá nhân trúng đấu giá 22,67% cổ phần PTI từ Vietnam Post. Công ty TNHH Bảo hiểm Dongbu (Hàn Quốc) - cổ đông đang sở hữu 37,32% cổ phần mong muốn tăng tỷ lệ tại PTI, nhưng đấu giá không thành công. Hiện DB vẫn là cổ đông chiến lược có cổ phần lớn nhất và Công ty Chứng khoán VNDIRECT là cổ đông lớn thứ hai tại PTI (nắm giữ 16,44% cổ phần).
Vietnam Post không còn là cổ đông của PTI, nhưng đây vẫn sẽ là đại lý phân phối sản phẩm bảo hiểm lớn nhất, với vai trò là đối tác chiến lược triển khai các dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ trên mạng lưới bưu điện nhằm tận dụng thế mạnh của cả hai bên. Do đó, trong một vài năm tới, kênh bán này được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, hai cổ đông lớn nhất của PTI hiện nay là Dongbu và VNDIRECT đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm.
Những năm gần đây, PTI đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu cao, trong nhóm 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất và hãng bảo hiểm này luôn thể hiện tham vọng vươn lên vị trí số 2 về doanh thu. Hiện PTI đứng thứ 3 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm. Nhân tố mới tại PTI là 3 cá nhân mua 22% cổ phần nêu trên, kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến mới trong thời gian tới.
Một doanh nghiệp sắp có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông là Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), bởi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chuẩn bị thoái vốn. SCIC đang nắm giữ 50,7% vốn tại BMI - doanh nghiệp hiện có thị phần doanh thu phí bảo hiểm đứng thứ 4.
Liên quan đến thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt - tên tuổi số 1 thị trường vừa có một năm kinh doanh khó khăn khi tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm suy giảm, trong khi vị trí thứ hai là PVI liên tục vươn lên, có tháng dẫn đầu thị trường. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, tính đến cuối tháng 9/2021, thị phần doanh thu của PVI theo sát Bảo hiểm Bảo Việt (15,5%). PJICO tạm rời vị trí thứ 5 thị phần, xuống vị trí thứ 6; thế vào đó là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG, mã chứng khoán MIC).
Với những khó khăn, thách thức do dịch bệnh chưa kết thúc, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ làm gì để chủ động hơn trong năm tài chính 2022? Theo ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC, doanh nghiệp vẫn theo đuổi mục tiêu hiệu quả hoạt động, nhưng sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm. Cùng với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như đầu tư phát triển các sản phẩm bán lẻ, kênh phân phối mới, nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng…, BIC sẽ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu kênh bancassurance, tận dụng lợi thế mạng lưới và nền tảng khách hàng của các ngân hàng liên kết, đồng thời tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tín dụng trên toàn quốc. Chuyển đổi số cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tạo sự bứt phá cho hoạt động kinh doanh năm 2022 và những năm tiếp của BIC.
Còn theo ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc PTI, “xương sống” cho chiến lược mới của doanh nghiệp vẫn là nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đây cũng là lĩnh vực PTI tập trung đẩy mạnh trong thời gian qua để giúp khách hàng có những trải nghiệm thoải mái và thuận tiện nhất.
Theo báo Đầu tư chứng khoán