Bảo hiểm phi nhân thọ: Cạnh tranh không lành mạnh tái xuất mùa tựu trường
Đinh Hoài Thu,
Ngay từ giữa tháng 8/2019, một công văn từ UBND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, đã được gửi tới Phòng Giáo dục và Ðào tạo và các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện nêu rõ về việc tiếp tục phối hợp với công ty bảo hiểm thuộc Top đầu thị trường thực hiện công tác bảo hiểm trong các trường học của huyện.
Không vòng vo, trong công văn này, UBND huyện đã yêu cầu đích danh Phòng Giáo dục và Ðào tạo và các trường trên địa bàn huyện phối hợp cùng công ty bảo hiểm này trong việc bán bảo hiểm cho học sinh.
Như vậy, nhân viên của các doanh nghiệp bảo hiểm khác dù muốn tiếp cận các trường thuộc địa bàn huyện này cũng phải rút lui khi công văn được đưa ra.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần bảo hiểm học sinh lớn trên thị trường, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh năm nào cũng diễn ra.
Khi những công văn dạng theo hướng “chỉ mặt, đặt tên” này được đưa ra thì gần như không trường nào dám làm trái. Mặc dù hình thức ra văn bản “phi cạnh trạnh” khá nhiều, đặc biệt là tại một số địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Bình Thuận…, nhưng đa phần các văn bản thường “lách luật” bằng cách kêu gọi ủng hộ, chứ rất ít văn bản chỉ đích danh hợp tác với công ty bảo hiểm như trên.
Thực tế, việc cạnh tranh bằng mọi chiêu thức dù vi phạm Luật Cạnh tranh và khiến không ít doanh nghiệp bảo hiểm bị mất thị phần, thậm chí có thể mất toàn bộ địa bàn không chỉ là bảo hiểm học sinh, nhưng doanh nghiệp khó có thể lên tiếng vì phải “giữ đường đi lại”. Chính vì vậy, cứ vào năm học mới là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở phân khúc bảo hiểm học sinh lại diễn ra.
Bảo hiểm tai nạn học sinh, sinh viên là loại hình bảo hiểm tự nguyện, xét ở khía cạnh bảo vệ thì bảo hiểm toàn diện học sinh là một sản phẩm cần thiết, bổ sung cho những hạn chế của sản phẩm bảo hiểm y tế thông thường.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, vì sao mà nghiệp vụ bảo hiểm học sinh - sinh viên cứ đến mùa tựu trường là tái diễn tình trạng cạnh tranh gay gắt?
Theo tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán, bảo hiểm học sinh sinh viên là phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước bởi tiềm năng khai thác rộng mở, trong khi tỷ lệ bồi thường không cao, lại đảm bảo được nguyên lý “số đông bù số ít”.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2018, tổng doanh thu từ sản phẩm bảo hiểm học sinh - sinh viên đạt khoảng 800 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 40%.
Doanh thu không quá cao, nhưng vì dư địa khai thác lớn nên các doanh nghiệp bảo hiểm thường tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường này.
Nếu không thể cạnh tranh bằng cơ chế, quyền lợi sản phẩm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ sử dụng “mối quan hệ” với cơ quan quản lý để gây sức ép.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp bảo hiểm, chi phí khai thác thực tế dành cho sản phẩm này không hề nhỏ.
Ngoài cơ chế hoa hồng phải chi trả cho người bán theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải chi nhiều khoản chi phí khác để có thể tiếp cận với các trường học.
Song, đây vẫn là sản phẩm có lãi, dù không nhiều, nên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tập trung khai thác.
Ðối với một số doanh nghiệp bảo hiểm, bảo hiểm tai nạn học sinh - sinh viên đem về nguồn doanh thu không nhỏ.
Ðặc biệt, trong bối cảnh việc triển khai các nghiệp vụ mang lại doanh thu lớn không dễ, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chuyểnhướng tập trung vào những sản phẩm bảo hiểm có doanh thu phí thấp, dẫn đến cạnh trạnh trong bán bảo hiểm học sinh - sinh viên luôn “nóng” khi đến mùa khai thác.
(Theo Đầu tư chứng khoán)