Bảo hiểm phi nhân thọ: Càng bán lẻ lắm, kiện càng nhiều!
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng…
Vào tháng 3/2018, khách hàng Đỗ Đức Trung "tố" Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) chậm giải quyết bồi thường cho xe ô tô bị tai nạn diễn ra 7 tháng trước đó. Cụ thể, ngày 20/9/2017, xe ô tô do anh Trung điều khiển gặp tai nạn khi đang lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua xã Yên Chính, huyện Ý Yên, Nam Định. Chi phí sửa chữa sau tai nạn là hơn 115 triệu đồng; trong đó, chi phí phía bảo hiểm đề xuất là hơn 75 triệu đồng.
Theo lời kể của anh Trung, sau khi vụ tai nạn xảy ra, dù đã nhiều lần liên hệ với VNI để giải quyết bồi thường bảo hiểm, nhưng hãng bảo hiểm này vẫn không giải quyết.
Tại buổi làm việc với báo chí thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc VNI Chi nhánh Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên Công ty để chậm trễ trong việc giải quyết bồi thường và thẳng thắn thừa nhận sơ suất. Tuy nhiên, ông Phương cũng cho biết thêm lý do chậm trễ là bởi chiếc xe do một công ty đứng tên, nên khâu hoàn thiện các giấy tờ liên quan để làm cơ sở pháp lý cho việc lập hợp đồng sửa chữa và bồi thường mất thêm thời gian.
Vụ việc đã được khép lại và anh Trung đến nay đã nhận được tiền bồi thường.
Tương tự, hồi tháng 5/2018, ông Lê Thanh Tuấn (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) đã phản ánh với báo chí về việc Công ty Bảo hiểm Hùng Vương “chây ì” bồi thường đối với vụ tai nạn ô tô do anh cầm lái xảy ra từ tháng 1/2017.
Lý do là bởi hai bên chưa thống nhất được phương án đền bù thiệt hại. Sự việc kéo dài, không giải quyết dứt điểm khiến khách hàng phải vay mượn tiền để đền bù cho người bị gây tai nạn. Cuối cùng, lãnh đạo Công ty Bảo hiểm Hùng Vương Chi nhánh Nghệ An đã đồng ý duyệt chi số tiền trên 65 triệu đồng cho khách hàng sau khi trừ khấu hao vật tư thay thế.
Một trường hợp khác có tranh chấp với nhà bảo hiểm là bà Vũ Thị Hà, mẹ của cháu Nguyễn Bảo Châu (bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội). Sau khi bị từ chối bồi thường bởi UIC, bà Hà đã tìm ngay đến đơn vị tư vấn pháp lý là TILA để yêu cầu hỗ trợ giải quyết vụ việc dứt điểm.
Theo đại diện TILA, qua nghiên cứu các hồ sơ bệnh án mà con bà Hà đã điều trị và hồ sơ giao dịch bảo hiểm thì thấy bà Hà có quyền lợi hợp pháp phải được UIC chi trả, phù hợp với hợp đồng đã ký và quy định pháp luật.
Sau đó, trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, phía UIC cũng cho biết đã xem xét hồ sơ của trường hợp này và sau đó quyết định chi trả bồi thường theo đúng cam kết, đúng quy định của pháp luật liên quan.
Ngoài các vụ khiếu kiện liên quan đến khách hàng khách hàng cá nhân như trên, năm qua còn xảy ra nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến khách hàng doanh nghiệp. Có thể điểm ra một số vụ việc điển hình như Công ty TNHH Julie Sandlau Việt Nam (JSV, Đan Mạch) tranh chấp bảo hiểm với MIC.
Trước khi kiện MIC ra Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội), JSV từng gửi đơn thư kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng. Vụ việc kéo dài từ tháng 3/2017 (khi JSV xảy ra vụ cháy), nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do hai bên chưa thống nhất được số tiền bồi thường bảo hiểm.
Một trường hợp khác, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt Mỹ cùng luật sư của mình “dọa” kiện PJICO ra tòa, cũng như thông tin vụ việc đến các đơn vị truyền thông đại chúng và Hội Bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình trong vụ tranh chấp liên quan đến chìm tàu.
PTI thì vướng vào vụ tranh chấp bảo hiểm với CTCP In Tân Việt (Việt Trì, Phú Thọ), đã được nguyên đơn là CTCP In Tân Việt kiện ra Tòa án Nhân dân TP. Việt Trì. Còn Bảo hiểm Bảo Việt thì vướng vào vụ tranh chấp bảo hiểm tàu cá với ngư dân tại Quảng Bình.
Theo tổng hợp của Đầu tư Chứng khoán, năm 2018, các tranh chấp, khiếu kiện về bồi thường bảo hiểmchủ yếu liên quan đến bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm sức khỏe, vì số lượng hợp đồng của các sản phẩm này chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hợp đồng trên toàn thị trường. Nhà bảo hiểm nào bán lẻ càng nhiều, nguy cơ đối diện với các cuộc tranh chấp càng lớn.
Ngoài các vụ khiếu kiện giữa khách hàng với đơn vị bảo hiểm, năm nay cũng chứng kiến thêm nhiều vụ khiếu kiện liên quan tới đấu thầu bảo hiểm. Mới đây, sau khi bị loại trong cuộc đấu thầu bảo hiểm được cho là do hồ sơ thầu của chủ đầu tư có dấu hiệu thiếu minh bạch, lãnh đạo một đơn vị thành viên của Bảo hiểm PVI cho biết sẽ khiếu nại lên cấp cao hơn là Bộ quản lý chủ đầu tư trên.
… Khiến bảo hiểm bị gắn mác “mua dễ khó đòi”
Các vụ tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm, dù liên quan tới cá nhân hay tổ chức thì lý do tranh chấp cũng vẫn chủ yếu xoay quanh đến việc từ chối hoặc chậm bồi thường, có vụ kéo dài lê thê tới vài năm. Việc chậm bồi thường chủ yếu xuất phát từ việc không thỏa thuận được số tiền bồi thường.
Sự việc kéo dài, không được giải quyết dứt điểm, khiến khách hàng bức xúc phản ánh với báo chí hoặc kiện tụng ra tòa. Nhiều vụ tranh chấp được người trong cuộc đưa lên mạng xã hội facebook, thông tin lan tỏa chóng mặt, khiến bảo hiểm bị gắn mác lừa đảo, “mua dễ khó đòi”.
Trong các vụ tranh chấp về chậm bồi thường bảo hiểm, nguyên nhân có thể xuất phát từ một trong hai phía, nhà bảo hiểm hoặc người tham gia bảo hiểm, có khi do cả hai, và có thể do người thứ ba là đại lý bảo hiểm. Nhà bảo hiểm cần phải có đủ cơ sở pháp lý, đủ hồ sơ thủ tục thì mới thực hiện bồi thường.
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, nếu chỉ vì muốn xoa dịu khách hàng, dập đi sự lan rộng của “khủng hoảng truyền thông”, mà dẫn đến chi bồi thường sai, nhà bảo hiểm còn có thể bị phạt. Và thực tế, đã có trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt do chi bồi thường sai.
Dẫu vậy, theo quan sát của giới luật sư, với các vụ tranh chấp liên quan đến khách hàng cá nhân, sau khi có sự vào cuộc của giới luật sư, truyền thông, các cơ quan liên quan khác…, vụ việc có cơ hội được giải quyết nhanh hơn.
Khách hàng cá nhân được coi là “yếu thế hơn” trong các vụ tranh chấp với doanh nghiệp bảo hiểm nên thường được bênh vực. Thậm chí, với một số vụ việc, phần thắng có thể thiên về nhà bảo hiểm, nhưng vì sợ thương hiệu bị tổn thương, nhà bảo hiểm đành “ngậm ngùi” bồi thường cho khách hàng. Tất nhiên, tình huống này thường xảy ra khi số tiền bảo hiểm cho khách hàng cá nhân không quá lớn (chưa tới mức tiền tỷ).
Điều này khó diễn ra với khách hàng tổ chức.