Ba thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2019
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Còn nhiều tiềm năng
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), trong năm 2019 toàn ngành bảo hiểm dự kiến sẽ giữ vững tốc độ tăng trưởng đạt mức 20%.
Vietnam Report nhận định khi nền kinh tế trong nước được dự báo phát triển ổn định trong một vài năm tới sẽ làm tầng lớp trung lưu mở rộng, thu nhập tăng, nhu cầu về bảo vệ sức khỏe và tài sản cũng vì thế tăng theo, là cơ sở để phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới.
Trong khi đó, nhóm bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng khó khăn hơn do ảnh hưởng từ sự suy giảm của thương mại toàn cầu.
Năm 2018, thị trường bảo hiểm đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở các năm trước. Đồng thời, năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được tăng cường, có 18 doanh nghiệp đã thực hiện tăng vốn điều lệ với tổng số tiền là hơn 20,4 nghìn tỉ đồng.
Tổng doanh thu bảo hiểm toàn ngành đạt 160.444 tỉ đồng, tương đương 2,9% GDP. Chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 38.524 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) ước đạt 19.874 tỉ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) ước đạt 18.650 tỉ đồng.
Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, được thiết kế linh hoạt phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tổng sản phẩm bảo hiểm trên thị trường ước tính lên tới 850 sản phẩm BHPNT và 450 sản phẩm BHNT. Mạng lưới tư vấn và kinh doanh bảo hiểm không ngừng được mở rộng, tính sơ bộ các doanh nghiệp bảo hiểm đã có gần 1.000 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên phạm vi cả nước.
Ba thách thức lớn nhất của ngành bảo hiểm trong năm 2019
Mặc dù được dự báo là một trong những ngành tiềm năng tăng trưởng tại Việt Nam, song ngành bảo hiểm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong thời gian tới.
Thứ nhất, bài toán lợi nhuận đang làm khó các doanh nghiệp BHNT. Tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm năm 2018 đạt mức cao trên 2 con số, tuy nhiên đó chỉ là tăng trưởng phí bảo hiểm. Dưới góc nhìn lợi nhuận, hơn 55% số doanh nghiệp BHNT báo lỗ năm 2018.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp giải thích là do họ phải chịu ảnh hưởng của việc giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ, cùng với sự sụt giảm mạnh của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật. Cùng với đó, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp BHNT phải trích lập dự phòng lớn, thậm chí chiếm tới 2/3 chi phí hoạt động năm 2018.
Thứ hai, các DNBH cạnh tranh gay gắt để chiếm lĩnh thị phần. Kết quả khảo sát các DNBH của Vietnam Report cho thấy, hơn 92% số doanh nghiệp nhận định "cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt" là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay.
Đối với lĩnh vực BHNT, có đến 18 công ty đa phần là công ty nước ngoài, đang phải chia nhau miếng bánh nhỏ. Ngược lại, lĩnh vực BHPNT đang hấp dẫn các nhà đầu tư mới khi nhu cầu bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe ngày càng gia tăng, trong khi các sản phẩm chất lượng cho khách hàng còn thiếu, đặc biệt là cho đối tượng khách hàng cá nhân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BHPNT nhỏ đang ngày càng mạnh hơn và sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Theo số liệu từ Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam, thị phần của Top 5 công ty dẫn đầu như Bảo Việt, bảo hiểm PVI, bảo hiểm PJICO, bảo hiểm bưu điện PTI, bảo hiểm Bảo Minh… đang có xu hướng giảm (từ 70% xuống 60%), vô hình chung làm tăng cơ hội cạnh tranh thị phần cho các doanh nghiệp BHPNT nhỏ.
Thứ ba, thách thức đến từ việc ứng dụng AI trong ngành bảo hiểm. Cũng như ngành ngân hàng, ngành bảo hiểm có một lượng khách hàng rất lớn, có nguồn dữ liệu khách hàng rất lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai AI (trí tuệ nhân tạo), với mục tiêu phân loại, số hóa, và đưa vào các phân tích chuyên sâu dữ liệu khách hàng nhằm gia tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng tại doanh nghiệp phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc bảo mật và bảo vệ dữ liệu khách hàng (53,8% lựa chọn khi doanh nghiệp được Vietnam Report khảo sát về các thách thức lớn nhất cản trở doanh nghiệp triển khai ứng dụng AI), nhân sự thực hiện (53,8%), ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp (46,2), rủi ro an ninh mạng (38,5%) và sự bất đồng quan điểm trong nội bộ (30,8%)