“Thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục hoàn thành mục tiêu tại Chiến lược 2016 - 2020”
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Thị trường bảo hiểm năm 2017 dự báo sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, theo Cục trưởng, đâu là nguyên nhân chính yếu góp phần tạo nên kết quả này?
Năm 2017, trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, việc triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong những năm vừa qua đã giúp thị trường bảo hiểm đạt được những kết quả tích cực, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân.
Hiện toàn thị trường bảo hiểm có 63 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của toàn thị trường ước đạt 21,2%. Tổng tài sản toàn thị trường ước đạt 302.935 tỷ đồng tăng 23,44% so với năm 2016. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 247.801 tỷ đồng, tăng 26,74% so với năm 2016. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 105.611 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2016, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.423 tỷ đồng, tăng 14,92% so với năm 2016.
Đạt được các kết quả tích cực như trên có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến năm 2017, tình hình kinh tế thế giới khởi sắc hơn, tăng trưởng và thương mại toàn cầu phục hồi đã có tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước, trong đó nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính được phát huy, tạo lập được niềm tin và sự hứng khởi của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp đó là khung khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm ngày càng hoàn thiện tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường. Trong năm 2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP thay thế 4 nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP.
Các văn bản mới được ban hành đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, dễ tra cứu khi triển khai áp dụng quy định pháp luật, đồng thời tháo gỡ vướng mắc, khai thông nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm trở lại nền kinh tế, tạo quyền chủ động và tính tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp trong việc xác định chi phí kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả, an toàn tài chính cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, nhằm tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, Nghị định thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Cuối cùng là nỗ lực của chính các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá, xếp hạng.
Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (kèm Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng cho ngành bảo hiểm. Theo Cục trưởng, với sự phát triển của ngành những năm vừa qua thì đến thời điểm này có thể dự báo sớm kết quả thực hiện Chiến lược 2011-2020 không?