“Bảo hiểm tiền gửi bảo vệ được 87,32% số lượng người gửi tiền”
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo thống kê, với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền.
Tại Bản tổng hợp ý kiến cử tri, cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị xem xét, sửa đổi quy định tại Luật bảo hiểm tiền gửi theo hướng "hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho một khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm”.
"Việc sửa đổi này nhằm đảm bảo tốt quyền lợi của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Vì, theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 của Luật này thì “phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi” chứ không phải tính trên bình quân lượng khách hàng của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó", cử tri cho biết.
Tuy nhiên, phản hồi lại kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, hiện nay trên thế giới, không có quốc gia nào áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm đối với một khoản tiền gửi mà chỉ áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm đối với một người gửi tiền.
Theo NHNN, việc sửa đổi quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm như ý kiến của cử tri tỉnh Tiền Giang (áp dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm đối với một khoản tiền gửi) sẽ khiến người gửi tiền quy mô lớn chia nhỏ khoản tiền gửi của mình khi gửi tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Cùng với đó, khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ phải chi trả cho toàn bộ tiền gửi của người gửi tiền đó, làm mất đi ý nghĩa của việc thiết lập hạn mức trả tiền bảo hiểm theo khuyến nghị của IADI. Việc bảo hiểm tiền gửi toàn bộ cho người gửi tiền quy mô lớn sẽ khiến họ không có động lực xem xét đến mức độ an toàn của tổ chức nhận tiền gửi mà chỉ gửi tiền vào các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có lãi suất cao.
"Theo quy định tại Luật bảo hiểm tiền gửi, hạn mức trả tiền bảo hiểm áp dụng đối với các khoản tiền gửi của một người tại một tổ chức tín dụng nên trên thực tế, người gửi tiền quy mô lớn vẫn có thể chia nhỏ khoản tiền gửi để gửi tại nhiều tổ chức tín dụng khác nhau để phân tán rủi ro và được hưởng hạn mức bảo hiểm đối với từng khoản tiền này", NHNN cho biết.
Cũng liên quan tới bảo hiểm tiền gửi, có ý kiến cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo hướng nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ 75 triệu đồng lên 100 triệu đồng bởi mức bảo hiểm hiện tại quá thấp so với số tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, thậm chí là vài trăm triệu đến vài tỷ.
Về nội dung này, NHNN cho biết, theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền), nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).
"Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể. Theo thống kê, với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền. Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế", NHNN khẳng định.
Theo NHNN, để nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên mức 75 triệu đồng thì cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho TCTD, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống TCTD và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
"NHNN sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép", cơ quan này cho biết.
Tuy nhiên, NHNN cũng cho hay, ngoài việc được nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả theo hạn mức quy định, người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật phá sản.
"Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, nhà nước là phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý các TCTD đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát", NHNN nhấn mạnh.