Doanh nghiệp phi nhân thọ lo cải thiện lợi nhuận
,
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực tới lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong hơn 2 năm qua. Vì vậy, cải thiện lợi nhuận là mục tiêu quan trọng đặt ra trong năm nay bởi sẽ giúp nhà bảo hiểm tăng giá trị trong con mắt cổ đông, đối tác cũng như khách hàng.
Tăng tỷ suất sinh lời cũng là tăng “chất” doanh nghiệp
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (mã VNI) vừa diễn ra tuần qua, Tổng giám đốc Trần Trọng Dũng cho biết, VNI vẫn nằm trong danh sách bị hạn chế được nhượng tái bảo hiểm của PVIRe, Bảo Việt, PJICO do ưu tiên các công ty bảo hiểm có thị phần trong Top 5 và phải có các chỉ tiêu sinh lời ROA (tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản), ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) ở mức cao từ 5% trở lên, trong khi VNI chưa thỏa mãn những điều kiện này.
Với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), sau 3 năm (2018-2020) duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu cao, tới năm 2021, nhà bảo hiểm này mới bắt đầu có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, năm 2021, BSH ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 257 tỷ đồng và hoàn thành 114% so với kế hoạch đề ra. Mặc dù mức lợi nhuận cao này chủ yếu tới từ việc thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ Bảo An Tín theo phê duyệt của Bộ Tài chính, nhưng cũng cho thấy sự chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh của nhà bảo hiểm này trong bối cảnh thị trường bảo hiểm gặp khó khăn do dịch bệnh như năm qua.
Trong hoạt động kinh doanh, chỉ tiêu sinh lời càng cao chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng càng hiệu quả vốn góp của cổ đông, nên đây luôn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một doanh nghiệp tốt và không là ngoại lệ với cả những lĩnh vực đặc thù như bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, khi tăng trưởng thị phần luôn được gắn với tăng trưởng tỷ suất sinh lời, chưa kể nhà bảo hiểm quy mô càng lớn thì sức ép tăng trưởng lợi nhuận càng cao.
Trên thực tế, tại các hồ sơ mời thầu bảo hiểm những năm gần đây, bên cạnh việc đặt ra yêu cầu phải nằm trong tốp 5, tốp 10 về doanh thu, chủ đầu tư còn đưa ra yêu cầu nhà thầu là các công ty bảo hiểm phải đảm bảo các chỉ tiêu sinh lời, khiến không ít công ty bảo hiểm bị loại “từ vòng gửi xe” chỉ vì chưa đáp ứng tiêu chí bổ sung này.
Thạc sỹ Lê Quý Dương, Khoa Bảo hiểm, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, những năm gần đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam có xu hướng biến động mạnh, đặc biệt kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu phí bảo hiểm do nhiều khách hàng mất khả năng thanh toán phí bảo hiểm và không thể tiếp tục tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, việc lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp, trục lợi bảo hiểm vẫn phức tạp… cũng làm giảm hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp phi nhân thọ.
Báo cáo nghiên cứu 9 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán gồm PTI, MIG, BMI, PGI, PRE, VNR, BIC, PVI và ABI (không đưa BVH vào mẫu nghiên cứu bởi nhà bảo hiểm này hoạt động trong cả lĩnh vực nhân thọ với công ty con là Bảo Việt Nhân thọ, trong khi nghiên cứu chỉ tập trung vào lĩnh vực phi nhân thọ) do nhóm nghiên cứu của thạc sỹ Lê Quý Dương thực hiện cho thấy, giá trị ROA trung bình giai đoạn 2009-2021 đạt khoảng 3,3%/năm - một tỷ lệ tương đối cao thể hiện hoạt động kinh doanh tương đối hiệu quả.
Tuy nhiên, độ lệch chuẩn của biến ROA cũng khá lớn, đạt khoảng 2,3% - cho thấy tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp này chưa thực sự ổn định. Trong đó, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) ghi nhận giá trị ROA thấp nhất vào năm 2018 (chỉ đạt 0,29%), trước khi cải thiện hơn những năm sau đó, trong khi Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank - ABIC (mã ABI) ghi nhận tỷ lệ này ở mức cao nhất, lên tới hơn 8%.
Cải thiện khả năng sinh lời, cách nào?
Theo nghiên cứu trên, trong các yếu tố gồm vốn hóa thị trường, doanh thu phí bảo hiểm và rủi ro khai thác bảo hiểm, yếu tố tác động nhiều nhất tới tỷ suất sinh lời của các doanh nghiệp phi nhân thọ là vốn hóa, bởi khi giá trị vốn hóa càng lớn, vị thế của nhà bảo hiểm trên thị trường càng được củng cố vững chắc và nhờ đó, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh sẽ tăng lên, mức độ sinh lời cũng sẽ cao hơn.
Do đó, để cải thiện tỷ suất sinh lời, thạc sỹ Lê Quý Dương cho rằng, nhà bảo hiểm cần tập trung vào một số giải pháp như nâng cao quy mô vốn hóa thị trường bằng cách sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng quy mô vốn chủ sở hữu, hoặc phát hành thêm cổ phiếu ra thị trường; mở rộng thị phần, từ đó góp phần nâng cao doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Cùng với đó là thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro, đặc biệt tại những doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao cần phải tích cực thực hiện hoạt động tái bảo hiểm để chia sẻ rủi ro.
Về phía doanh nghiệp, Bảo hiểm Hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 67,9 tỷ đồng, tăng tới 294% so với thực hiện năm 2021 và cơ sở để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo chia sẻ của lãnh đạo VNI, đó là tiếp tục tăng cường quản trị rủi ro, giảm tỷ lệ bồi thường bằng việc đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ có rủi ro thấp và kiểm soát chặt chẽ đầu vào khai thác đối với các nghiệp vụ có rủi ro cao và kênh phân phối kém hiệu quả.
Thực tế, nếu quản trị rủi ro tốt, doanh nghiệp sẽ được hoàn nhập dự phòng rủi ro, qua đó cải thiện lợi nhuận. Báo tài chính năm 2021 của VNI cho thấy, trong năm qua, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tăng 473,4 tỷ đồng so với năm 2020, lên mức 2.219 tỷ đồng, nhưng do trích lập thêm gần 199 tỷ đồng dự phòng phí bảo hiểm và dự phòng phí dao động lớn nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn 17,2 tỷ đồng, nhưng con số này cũng đã tăng 6,7 tỷ đồng so với năm 2020, hoàn thành vượt kế hoạch cả năm 2021 (là 8,988 tỷ đồng). Như vậy, nếu được hoàn nhập hàng trăm tỷ đồng dự phòng rủi ro trong năm 2022, việc VNI hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra là khả thi.
(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)