Bất cập trong dự thảo mới về bancassurance
Đinh Hoài Thu,
Hoạt động đại lý của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm để bán bảo hiểm (còn gọi là hoạt động bancassurance) có sự phát triển mạnh những năm qua.
Ðiều này có thể dễ dàng nhận thấy qua sự tăng trưởng liên tục của doanh thu phí bảo hiểm qua kênh này.
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng ước đạt 8.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,2% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ.
Ðối với khối phi nhân thọ, hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo ước tính của các doanh nghiệp, doanh thu kênh bancassurance chiếm xấp xỉ 20% tổng doanh thu khai thác.
Trong khi đó, quy định tại Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 của liên bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Thông tư này không áp dụng đối với việc tổ chức tín dụng bán sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Ðể đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo và lấy ý kiến Thông tư quy định và hướng dẫn bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng áp dụng chung cho cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Theo dự thảo Thông tư, các nội dung hoạt động đại lý của tổ chức tín dụng cũng tương tự các nội dung hoạt động đại lý được quy định chung trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, bao gồm: giới thiệu khách hàng, chào bán bảo hiểm, thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo pháp luật kinh doanh bảo hiểm và theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.
Nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm phải được tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận và quy định cụ thể tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Hoạt động đại lý của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động đại lý quy định trong Thông tư này và quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 86/2014, có một số nội dung doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tín dụng thấy vướng mắc trong quá trình thực hiện, tuy nhiên, dự thảo Thông tư mới chưa tháo gỡ.
Chẳng hạn, tổ chức tín dụng phải chuyển toàn bộ phí bảo hiểm thu được của khách hàng cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận việc đối trừ giữa phần phí bảo hiểm thu được và hoa hồng đại lý bảo hiểm, tổ chức tín dụng chỉ phải chuyển lại cho doanh nghiệp bảo hiểm phần phí sau khi đã trừ đi khoản hoa hồng bảo hiểm được hưởng.
Việc này được các bên hạch toán tự động trên hệ thống phần mềm, nên quy định chuyển toàn bộ số phí thu được là không cần thiết và không phù hợp với thực tiễn thị trường.
Mặc dù vậy, dự thảo quy định mới vẫn giữ nguyên quy định trên và không cho phép các bên được tự thỏa thuận.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, xuất phát từ sự khác biệt về đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, quy trình bán bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ có những điểm đặc thù riêng.
Vậy nhưng, dự thảo Thông tư chưa có các quy định hướng dẫn riêng cho hoạt động đại lý của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và hoạt động đại lý của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Ðiều này có thể sẽ dẫn đến những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện khi Thông tư được ban hành.
Cán bộ phụ trách hoạt động bancassurance của một doanh nghiệp bảo hiểm nhận xét, dự thảo Thông tư không có nhiều điểm mới so với Thông tư 86, cũng như không có nhiều quy định mang tính đặc thù chođại lý tổ chức là tổ chức tín dụng.
Ðiều này sẽ khó tạo được động lực khuyến khích sự phát triển của kênh bancassurance trong tương lai.
Theo vị cán bộ trên, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng hiện nay và trong tương lai được xác định là kênh chủ đạo của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Do đó, Nhà nước cần có những chính sách mang tính riêng biệt theo hướng giảm bớt các điều kiện hoạt động đại lý, tăng mức hoa hồng đại lý, hỗ trợ đại lý… để bancassurance có thể phát huy được tiềm năng và tạo sự bứt phá mạnh mẽ.
(Theo Đầu tư chứng khoán)