Theo Hiệp hội nha chu Mỹ, khoảng 50% dân số Mỹ cho rằng nụ cười là ấn tượng ban đầu quan trọng nhất khi họ tiếp xúc người khác. Một bộ răng khỏe mạnh và trắng sáng sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong giao tiếp. Tưởng như răng là bộ phận chắc khỏe nhất trên cơ thể con người. Nhưng men răng lại là thứ dễ dàng bị phá hủy nếu như chúng ta chăm sóc răng không đúng cách. Không chỉ men răng, có rất nhiều những lầm tưởng, những thói quen ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng.
Ăn nhiều đồ ăn/uống chứa nhiều axit
Uống trà, chè, cà phê hay nước chanh là một trong những thói quen phổ biến của người Việt Nam. Nhiều người Việt duy trì thói quen uống nước chè tươi hay nước chanh để detox, giảm cân và giảm nguy cơ mắc các bệnh như máu nhiễm mỡ, dầy bụng khó tiêu,…. Tuy nhiên, axit tự nhiên trong các loại đồ uống này đang âm thầm phá hủy “đề kháng” của răng -men răng. Dần dần răng sẽ ngả màu và tăng cảm giác ê buốt răng.
Một số người uống đồ uống này với mục đích tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cần hạn chế việc uống quá thường xuyên, quá đậm đặc hoặc nên sử dụng ống hút để tránh việc răng bị tiếp xúc trực tiếp với axit trong thời gian dài.
Đánh răng quá thường xuyên
Nhiều người cho răng chỉ cần đánh răng thường xuyên là có thể giữ cho khoang miệng sạch sẽ, từ đó lạm dụng việc đánh răng nhiều lần trong ngày.
Nhiều người có thói quen đánh răng sau khi ăn vì khó chịu với vị fluor trong miệng hoặc sợ rằng việc súc miệng sau khi ăn không thể loại bỏ hết thức ăn thừa. Tuy nhiên thói quen này làm mất đi chất enzyme tự nhiên trong khoang miệng, và để nước bọt khôi phục lớp khoáng cho men răng.
Vì thế, các chuyên gia đưa ra lời khuyên chỉ nên đánh răng sau khi ăn 30 phút. Lúc này kem đánh răng sẽ phát huy hết tác dụng diệt khuẩn, tẩy sạch mảng bám cũng như ngừa sâu răng cho bạn. nếu không có điều kiện chờ và đánh răng, bạn có thể thay thế bằng cách nhai kẹo cao su không đường hoặc súc miệng băng nước muối hoặc nước súc miệng chuyên dụng.
Chỉ cần đánh răng!
Đánh răng thường xuyên và đúng thời điểm chỉ giúp làm sạch bề mặc răng mà thôi. Nếu không dùng chỉ nha khoa, bạn chỉ làm sạch 40% bề mặt răng của bạn. Chỉ nha khoa sẽ giúp bạn làm sạch và lấy đi thức ăn trong kẽ răng mà chúng ta không nhìn thấy, cũng như bàn chải đánh răng không thể chạm tới. Đây mới là nguyên nhân chính gây ra viêm lợi và chảy máu chân răng. Do đó hãy luôn sử dụng chỉ nha khoa cùng với bàn chải đánh răng để chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Bên cạnh đó, chúng ta chúng ta cần duy trì thói quen cạo lưỡi bằng các dụng cụ chuyên dụng. Điều này giúp giảm đáng kể tế bào chết, vi khuẩn gây bệnh ở miệng, giảm nỗi sợ hôi miệng. Thực tế thì các vi khuẩn gây sâu răng không chỉ tập trung ở kẽ răng mà còn ở cả lưỡi. Vì thế khi lưỡi được vệ sinh đúng cách sẽ làm giảm khá nhiều bệnh lý về răng miệng.
Không thường xuyên lấy cao răng
Cao răng là một cặn vôi hóa cứng hình thành và bao phủ răng và nướu. Nó được hình thành khi vi khuẩn tự nhiên trong miệng kết hợp với tàn dư thức ăn để tạo thành một lớp mảng bám. Khi mảng bám không được loại bỏ, nó sẽ cứng lại và thay đổi màu sắc, tạo thành cao răng. Những mảng bám này sẽ phát triển, lan rộng và gây ra các vấn đê về răng miệng, từ hôi miệng cho đến sâu răng và bệnh về nướu. Vôi răng không thể được loại bỏ bằng cách đơn giản là chải răng hoặc tự thao tác tại nhà, mà cần đến phòng khám nha khoa để nha sĩ loại bỏ chúng bằng kỹ thuật và máy móc chuyên dụng.
Hãy đến các nha khoa uy tín để thăm khám và lấy cao răng từ 4-6 tháng/lần để tránh việc cao răng hình thành quá lâu gây khó khăn trong vệ sinh răng miệng. Nếu bạn có BHYT hoặc tham khảo các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bạn có thể được chi trả thăm khám và lấy cao răng định kỳ.
Chỉ đến nha khoa khi gặp các vấn đề nghiêm trọng
Một hàm răng thực sự khỏe mạnh không chỉ có những tiêu chí đều, đẹp và trắng sáng. Có những vấn đề liên quan đến khớp cắn mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đa số chúng ta chỉ đến nha khoa khi các vấn đề về răng miệng đã bắt đầu có những biểu hiện ra bên ngoài băng các cơn đau nhức, ê buốt. Phổ biến và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng nhất là lệch khớp cắn.
Lệch khớp cắn âm thầm gây ra nhiều vấn đề khó chịu và ảnh hưởng đến chức năng ăn uống và ngoại hình. Nguyên nhân chính của lệch khớp cắn có thể bao gồm di truyền, thói quen hút núm, sử dụng núm ti hoặc hút ngón tay trong thời thơ ấu, thói quen nằm nghiêng, tì cằm, nhai một bên khiến hàm trên và hàm dưới, phát triền không đồng đều,…..
Biểu hiện của lệch khớp cắn có thể bao gồm răng không khít nhau khi kẹp lại, răng chồng chéo, răng lệch hướng, khó khăn khi nhai hoặc nói, đau hàm hoặc đau đầu, và mất cân đối khuôn mặt.
Lệch khớp cắn kéo dài có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nó có thể gây ra đau và mất chức năng trong việc nhai, gặp khó khăn trong việc làm sạch răng và nướu, gây ra vấn đề về tiếng nói và tự tin trong giao tiếp. Ngoài ra, lệch khớp cắn cũng có thể gây ra các vấn đề về hàm mặt và tạo ra áp lực không cân đối trên các cơ và xương của hàm, dẫn đến đau và mất cân đối khuôn mặt.
Để chẩn đoán và điều trị lệch khớp cắn, bạn nên tham khảo ý kiến của một nha sĩ chuyên khoa. Nha sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bạn và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp như niềng răng hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.
Điều chỉnh và chữa trị lệch khớp cắn cần cả một quá trình và hình thành thói quen sống. Chính vì thế, ngay từ khi còn trẻ, chúng ta cần duy trì thói quen thăm khám tại các kha khoa uy tín thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp thích hợp.Tóm lại: Bộ răng nếu được gìn giữ tốt sẽ theo ta đến suốt cuộc đời, thậm chí ngay cả khi chết đi. Hãy chú ý và có những biện pháp chăm sóc răng miệng khỏe mạnh giống như một cách để tăng sự tự tin và thiện cảm từ mọi người trong giao tiếp hàng ngày.