Ứng dụng công nghệ thông tin: Cơ hội cho ngành bảo hiểm “tiến nhanh và tăng chất”
Đinh Hoài Thu,
Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) đã có thêm nhiều quy đinh định khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo thuận tiện, thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ và sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Tạo cơ sở pháp lý quan trọng để chuyển đổi số
Nhìn chung mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các DNBH toàn cầu nhưng vẫn còn hạn chế, việc chuyển đổi số mới chỉ thực hiện chủ yếu ở cấp độ số hóa các quy trình kinh doanh. So sánh với các lĩnh vực khác trong lĩnh vực tài chính, việc đầu tư công nghệ ở ngành bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của thị trường bảo hiểm hiện nay.
Trong lĩnh vực chứng khoán, việc sử dụng công nghệ áp dụng cho nhiều dịch vụ đã giúp gia tăng hiệu quả quản trị, trải nghiệm cho doanh nghiệp và cho nhà đầu tư. Trong lĩnh vực ngân hàng, việc số hóa cũng diễn ra rất tích cực, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số. Trong khi đó, hiện tại doanh thu kênh bảo hiểm trực tuyến còn thấp (chưa tới 1% tổng doanh thu trong lĩnh vực nhân thọ và chưa tới 5% tổng doanh thu trong lĩnh vực phi nhân thọ).
Chính vì lý do đó, theo đại diện Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng; nguyên tắc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng.
“Đây dự kiến sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ DNBH thực hiện chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm” – đại diện Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.
Giúp doanh nghiệp minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này đã có quy định khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm là phù hợp với xu thế chung hiện nay và đúng với chủ trương chung của Chính phủ. Với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hệ thống thông tin là rất quan trọng trong việc đánh giá rủi ro, định phí bảo hiểm, quản lý bồi thường, quản trị doanh nghiệp, quản lý thông tin khách hàng… nên việc các DNBH đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin là nhu cầu thiết yếu.
Đại diện một DNBH cho biết, các DNBH đã tập trung và chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. DN đầu tư khá nhiều nguồn lực vào nền tảng công nghệ thông tin. Do đó, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này đã khuyến khích các DNBH ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và quản trị khách hàng nên sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho DNBH và khách hàng trong việc thay đổi phương thức kinh doanh. Đặc biệt, việc giao kết hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng truyền thống, khách hàng có thể tự mình giao kết hợp đồng bảo hiểm với các DNBH qua các giao dịch điện tử, góp phần làm minh bạch thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động. Khi các DNBH quản trị tốt hơn, sẽ giảm được chi phí, khách hàng có cơ hội tham gia bảo hiểm với mức phí thấp hơn.
Công nghệ thông tin thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm phát triển bền vững
Ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng. Công nghệ thông tin hiện diện trong kinh doanh, quản trị và điều hành, giúp gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng, tăng năng suất, tăng tiếp cận và trải nghiệm khách hàng. Công nghệ thông tin cũng thúc đẩy sự đổi mới giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững.
“Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là xu thế mà các DNBH đang rất chú trọng đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp khách hàng tiếp cận được các dịch vụ tiến tiến và tiện ích hơn. Để làm được điều này, chúng tôi mong muốn sớm có những văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng và hướng dẫn chi tiết để các DNBH có thể sớm triển khai” – đại diện doanh nghiệp này chia sẻ thêm.
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam, đối với doanh nghiệp, CNTT giúp cho việc vận hành nội bộ được nhanh chóng và cung cấp giải pháp, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Đối với khách hàng, áp dụng CNTT giúp gia tăng mức độ tiện ích cho khách hàng, dịch vụ của DN cũng trở nên tốt hơn.
“Nắm bắt được xu thế đó, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ tốt nhất nhu cầu quản trị cũng như trải nghiệm của khách hàng tham gia bảo hiểm. Nhờ áp dụng CNTT, các hoạt động bán hàng, thẩm định phát hành hợp đồng, chăm sóc yêu cầu của khách hàng phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng như thanh toán phí bảo hiểm, yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, thay đổi thông tin về hợp đồng bảo hiểm…, kể cả hoạt động quản lý hệ thống phân phối, báo cáo quản trị… đều trở nên nhanh chóng, chính xác và kịp thời hơn rất nhiều” – đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm.
(theo thoibaotaichinhvietnam.vn)