Phát triển các loại hình bảo hiểm góp phần ổn định kinh tế - xã hội

Các chuyên gia cho rằng, hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế toàn cầu đã chịu những tác động tiêu cực, nhiều quốc gia đã tăng trưởng âm. Đặc biệt, vấn đề an sinh xã hội đã có những diễn biến vô cùng phức tạp. Trước thực trạng này, vai trò của ngành bảo hiểm phải phát triển tất cả các loại hình bảo hiểm nhằm góp phần ổn định kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết.

Sáng 26/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: "Vai trò của ngành Bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế".

Nhận thức về vai trò bảo hiểm vẫn chưa thực sự đầy đủ, đúng bản chất

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cho biết bảo hiểm (BH) có hai vai trò rất lớn là vai trò kinh tế và vai trò xã hội. Trong đó, vai trò kinh tế của BH thể hiện ở những khía cạnh như: BH trực tiếp đảm bảo cho các khoản đầu tư của các cá nhân và doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế. Cho dù đầu tư lớn hay nhỏ, loại hình hay lĩnh vực đầu tư, từ đầu tư cho lĩnh vực dầu khí hay phóng vệ tinh viễn thông, chi đầu tư thương mại nhỏ lẻ... chủ đầu tư không thể mạo hiểm ngồi nhìn số tiền đầu tư “tan thành mây khói”, một khi không có BH.

Nếu nhìn nhận trực diện về vai trò của BH, người ta còn thấy ngay những khoản tiền bồi thường thuộc phạm vi BH cho các cá nhân, DN khi đối tượng BH không may gặp phải rủi ro, tổn thất. Điều đó đã giúp họ kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục lại tài sản ban đầu để tiếp tục ổn định sản xuất, góp phần ổn định nền kinh tế nói chung...

Theo PGS.TS Trương Thị Thủy, vai trò xã hội của BH bắt nguồn từ chính nguyên tắc hoạt động của BH là bảo vệ con người, vì con người. Điều này thể hiện ở những khía cạnh BH là chỗ dựa tâm lý cho người tham gia trong mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Khi đã tham gia BH, người tham gia sẽ yên tâm làm việc, mạnh dạn đầu tư, xóa bỏ tâm lý đắn đo khi chọn ngành nghề, cho dù đó là những ngành nghề nguy hiểm, độc hại.

Ngành BH hiện nay còn tạo ra khá nhiều việc làm cho nền kinh tế, góp phần giảm tải tình trạng thất nghiệp trong xã hội. Theo số liệu thống kê ở Việt Nam, năm 2021, số lao động làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là gần 26 nghìn người. Số lao động làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại (BHTM) xấp xỉ 0,6 triệu người.

Còn theo ThS. Đào Trung Kiên - Phó Viện trưởng Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), những khó khăn và thách thức của thị trường BH là tình hình biến đổi về thời tiết, khí hậu ngày càng khó dự đoán, trực tiếp ảnh hưởng đến các loại hình BH như BH nông nghiệp, BH tài sản, BH rủi ro thiên tai, BH nhân thọ...

Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm BH hiện nay tuy nhiều song chưa đa dạng, đa số sản phẩm được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh, chia nhỏ theo nhu cầu đa dạng của bên mua BH, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của bộ phận người dân có thu nhập cao. Kênh phân phối đại lý BH còn thiếu chuyên nghiệp. Thị trường BH vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh... Hệ thống pháp luật tuy được hoàn thiện, song một số quy định tại Luật Kinh doanh BH đã có độ trễ so với sự phát triển của thực tiễn.

Hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

Để phát triển thị trường BH trong thời gian tới, ông Kiên cho rằng, cần nhằm vào các mục tiêu chủ yếu là hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh BH và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực; tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu BH đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường kết nối liên thông giữa BHXH và BHTM nhằm chia sẻ thông tin, phục vụ tốt hơn người dân và người tham gia...

Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung, thị trường BH nói riêng sau tác động của dịch Covid-19, TS. Nguyễn Thị Hải Đường - Trưởng Bộ môn Kinh tế bảo hiểm, Khoa Bảo hiểm (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khuyến nghị, cần có một chính sách khôi phục và phát triển kinh tế tổng thể, thúc đẩy sự phát triển của các ngành trong nền kinh tế, đảm bảo sự vận hành liền mạch của tất cả các khâu. Trong chính sách này, BH cần được xác định là công cụ tài chính mang tính chất bảo vệ, bảo toàn về tài chính cho các thành phần kinh tế trước các nguy cơ rủi ro thiên tai và tai nạn bất ngờ, giảm thiểu sự đình trệ.

Khuyến khích các DNBH phát triển các sản phẩm BH nhóm cung cấp cho nhóm khách hàng BH, các sản phẩm BH nông nghiệp. Đây là các thị trường BH tiềm năng chưa được khai thác nhưng lại là những lĩnh vực có thể góp phần đảm bảo an sinh, giảm bớt gánh nặng cho các DN, người lao động và hỗ trợ phát triển ổn định khu vực nông nghiệp nông thôn.

Ngoài ra, cần thay đổi cơ chế quản lý vốn và hoạt động tài chính của DNBH để đảm bảo an toàn cho thị trường, DN và bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia BH. Bên cạnh đó, cần xem xét áp dụng quản lý giám sát hoạt động kinh doanh của các DNBH theo hướng quản lý vốn trên cơ sở rủi ro…

Để giải quyết vấn đề kiểm soát chi phí trong hoạt động kinh doanh BH, giảm tỷ lệ kết hợp của các DNBH phi nhân thọ, gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ BH của người dân, cần có chính sách khuyến khích và thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh BH. Cơ quan quản lý cần có các hướng dẫn đối với việc phân phối sản phẩm BH trên các nền tảng thương mại điện tử; xây dựng các cơ sở dữ liệu chung của ngành theo các lĩnh vực BH phục vụ cho việc ban hành chính sách, cũng như là cơ sở kỹ thuật cho việc phát triển sản phẩm, định phí phù hợp với thực tế thị trường BH Việt Nam.

(theo thoibaotaichinhvietnam.vn)