Bảo hiểm liên kết đầu tư “ngược dòng” ngoạn mục
Đinh Hoài Thu,
Bảo hiểm liên kết đầu tư, trong đó đặc biệt là bảo hiểm liên kết chung (UL) từng có thời gian bị nghi ngờ về hiệu quả, thậm chí chính tính linh hoạt – thế mạnh của sản phẩm, khiến không ít công ty bảo hiểm gặp khó khăn vì khách hàng không hiểu đầy đủ.
Tuy nhiên, bảo hiểm liên kết đầu tư đã và đang “lội ngược dòng” ngoạn mục. Doanh thu khai thác phí mới của dòng sản phẩm này liên tục vượt và bỏ xa nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp – từng là nghiệp vụ bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm của bảo hiểm nhân thọ.
2 tháng đầu năm 2019, theo số liệu tại Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, số lượng hợp đồng khai thác mới của toàn khối nhân thọ đạt 364.909 hợp đồng, trong đó dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư với 161.041 hợp đồng bảo hiểm cá nhân và thành viên trong nhóm, chiếm tỷ trọng 44,13% và tăng 47,73% so với cùng kỳ năm 2018.
Tiếp theo là bảo hiểm tử kỳ với 154.054 hợp đồng, chiếm tỷ trọng 42,22% và tăng 66,81% so với cùng kỳ; nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp có 42.708 hợp đồng, chiếm tỷ trọng 11,7% và giảm 39,94% so với cùng kỳ. Số lượng hợp đồng khai thác mới các nghiệp vụ còn lại chiếm tỷ trọng 1,95% và tăng 38,25% so với cùng kỳ.
Nghiệp vụ liên kết đầu tư có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục vì các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung phát triển dòng liên kết chung, đưa các sản phẩm mới ra thị trường.
Việc lãi suất trái phiếu chính phủ xuống mức thấp hơn dự kiến trong thời gian qua đã kéo theo sự sụt giảm của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật. Với quy định trích lập dự phòng thận trọng và nghiêm ngặt theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã phải trích lập dự phòng lớn trong hai năm qua. Một số công ty từ chỗ có lãi năm 2016 trở thành thua lỗ trong năm 2017, 2018…
Ðể giải quyết những khó khăn này, cùng với việc tích cực rà soát cắt giảm chi phí, bao gồm cả chi phí cố định cũng như chi phí phân phối sản phẩm, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chuyển từ việc tập trung bán sản phẩm truyền thống sang bán sản phẩm liên kết chung, triển khai các sản phẩm có mức cam kết lãi suất thấp hoặc không đảm bảo lãi suất.
Thực tế, năm 2017 – 2018, các doanh nghiệp tập trung bán các sản phẩm liên kết chung không bị ảnh hưởng nhiều đến lãi suất, còn các doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm truyền thống đều bị ảnh hưởng và phải trích lập dự phòng rủi ro – một trong những nguyên nhân gây lỗ trong năm 2018.
“Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư nói chung, UL nói riêng đang có nhiều cơ hội tiếp tục tăng trưởng, nhất là khi quy định về việc đại lý bán các dòng sản phẩm này đã chính thức được sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn”, đại diện một công ty bảo hiểm nhìn nhận.
Theo quy định của Nghị định 151/2018/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có hiệu lực từ tháng 11/2018, đại lý bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chỉ cần được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm liên kết chung. Việc bãi bỏ yêu cầu về kinh nghiệm bán bảo hiểm là điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ liên kết đầu tư.
“Với lợi thế đang có thì khả năng sản phẩm liên kết đầu tư chiếm trên 80% doanh thu của thị trường là câu chuyện không còn xa”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ nhận định.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 2 tháng đầu năm 2019, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất, đạt 65,86% doanh thu phí khai thác mới. Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 14,8%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 3,4%, các nghiệp vụ chính còn lại gồn bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính) chiếm tỷ trọng 5,09%. Doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 10,84%.
(Theo Đầu tư chứng khoán)