Bancassurance tiếp tục bùng nổ doanh thu năm 2022
Đinh Hoài Thu,
Nếu như năm 2016, tỷ lệ thâm nhập của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) chỉ chiếm hơn 5% thì tính đến năm 2019, con số này là hơn 17% và tiếp tục tăng mạnh gần 30% năm 2021. Bancassurance đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng như mang đến nguồn lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các ngân hàng và được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ doanh thu trong thời gian tới.
Sôi động bancassurance
Năm 2022 bắt đầu với sự kiện Agribank và FWD Việt Nam chính thức bắt tay hợp tác sau một thời gian dài tìm hiểu. Theo đó, trong giai đoạn đầu triển khai, FWD Việt Nam sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua Agribank, ngân hàng duy nhất có mặt tại 63 tỉnh, thành và 9/13 huyện đảo với hệ thống gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc.
Trước đó, FWD Việt Nam cũng có một thương vụ nổi bật nhất trên thị trường bancassurance Việt Nam khi hợp tác với Vietcombank. Sau thời gian triển khai, hoạt động hợp tác này đã tạo ra nhiều giá trị tích cực cho khách hàng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thị trường.
Là công ty trẻ và có lợi thế trong việc áp dụng kỹ thuật số nhanh chóng, các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến của FWD Việt Nam như: “FWD Bảo hiểm bệnh ung thư”, “FWD Bộ 3 bảo vệ”, “FWD Bảo hiểm tai nạn”, hay mới đây nhất là “FWD Phụ nữ hiện đại” được phân phối qua các nền tảng số của Vietcombank là minh chứng rõ ràng nhất cho việc khách hàng có thể bảo vệ tài chính của bản thân và gia đình chỉ qua vài cú click chuột.
Manulife Việt Nam và VietinBank cũng ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm, đánh dấu một chương mới đầy kỳ vọng cho hai tổ chức tài chính với những kế hoạch chung. Theo đó, Manulife Việt Nam là nhà phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank.
Một tên tuổi mới tham gia thị trường bảo hiểm là Shinhan Life Việt Nam cũng công bố ký kết hợp tác chiến lược, triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm liên kết ngân hàng với Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ tư vấn và giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Shinhan Life Việt Nam đến khách hàng của Ngân hàng Shinhan trên toàn quốc. Sản phẩm đầu tiên được phát triển thông qua kênh phân phối này là Shinhan - Tín dụng, sản phẩm bảo vệ cho khách hàng khi vay vốn.
Trước đó, Hanwha Life Việt Nam và Vietbank cũng ký kết hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Việc hợp tác giữa Hanwha Life Việt Nam và Vietbank là một phần trong chiến lược dài hạn của cả hai doanh nghiệp, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của hai bên, mang đến cho khách hàng những dịch vụ tài chính ưu việt.
Tăng trưởng doanh thu, tiếp cận khách hàng dễ dàng
Ông Sang Lee - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, cho biết các sản phẩm bảo hiểm của Manulife sẽ được bán cho hơn 14 triệu khách hàng của Vietinbank ngay từ thời điểm này. “Manulife Việt Nam rất hứng khởi khi được mở rộng thị phần phân phối của mình và sự hợp tác với VietinBank sẽ giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính và bảo hiểm ngày càng tăng của người dân Việt Nam.
Ông Huỳnh Hữu Khang - Tổng giám đốc FWD Việt Nam, chia sẻ: "Sau một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi rất vui mừng khi chính thức triển khai hợp tác quan trọng và ý nghĩa này. Hợp tác này không chỉ mở ra cơ hội thúc đẩy sự phát triển của mô hình liên kết bảo hiểm - ngân hàng tại Việt Nam, mà quan trọng hơn là giúp rất nhiều người dân Việt Nam, từ thành phố đến các vùng nông thôn hay miền núi, dễ dàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm đột phá, dịch vụ khác biệt của chúng tôi. Thông qua hợp tác với Agribank, chúng tôi tin rằng hành trình thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm của FWD tại Việt Nam sẽ được triển khai sâu và rộng hơn trên khắp cả nước”.
Số liệu công bố tại báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” do BIDV cùng ADB phối hợp nghiên cứu cho thấy, hoạt động bancassurance đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong năm 2021, trong đó điển hình như: VIB đạt gần 1.700 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm trong năm 2021, chiếm hơn 11% tổng thu nhập hoạt động nhờ thương vụ hợp tác với Prudential. TCB đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88,4% so với năm 2020 nhờ đẩy mạnh hợp tác với Manulife. ACB đạt 1.300 tỷ đồng qua hợp tác với Sunlife...
Ông Lee Euichul - Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam, chia sẻ: “Là tân binh tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2022, Shinhan Life luôn tập trung thiết kế danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mang lại những giá trị mới và bất ngờ cho khách hàng Việt Nam. Đồng thời, việc đa dạng kênh phân phối cũng là sự ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong thời gian đầu hoạt động. Thông qua việc hợp tác cùng với Ngân hàng Shinhan Bank - ngân hàng thuộc Tập đoàn Shinhan với kinh nghiệm hoạt động gần 30 năm cùng mạng lưới chi nhánh ngân hàng rộng khắp cả nước, chúng tôi hy vọng ngày càng nhiều khách hàng của Ngân hàng Shinhan có thể tiếp cận các sản phẩm từ Shinhan Life một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất”.
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, bancassurance được đẩy mạnh là bởi nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ thu nhập phí bảo hiểm thuần. Đặc biệt, tại một số ngân hàng đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số, giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm.
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, hiện có 15/18 doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai bancassurance. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xây dựng mạng lưới riêng, có cơ hội tiếp cận với tệp khách hàng của các ngân hàng, nhanh chóng gia tăng thị phần, doanh thu… Hiện bancassurance trở thành kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp vào doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Với đà tăng tích cực từ đầu năm, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay và tại một số công ty bảo hiểm có đối tác ngân hàng lớn, kênh này có thể mang về mức tăng trưởng doanh thu phí mới cao hơn mức tăng trưởng 30% của thị trường.
(theo thoibaotaichinhvietnam.vn)