Thị trường phi nhân thọ: Bán lẻ tiếp tục là trụ cột tăng trưởng
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Theo số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017; ước bồi thường trên 9.000 tỷ đồng, dự phòng bồi thường hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 60% (đã bao gồm dự phòng bồi thường).
Hai nghiệp vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất là bảo hiểm bảo lãnh và bảo hiểm bảo hiểm tín dụng rủi ro tài chính, với mức tăng tương ứng 36% và 160%. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu của 2 nghiệp vụ này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng doanh thu thị trường phi nhân thọ, chỉ từ 0,1% đến hơn 1%, tương đương khoảng từ 18 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu của các nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh và bảo hiểm hàng không 6 tháng năm 2018 không bằng cùng kỳ năm 2017.
Với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và con người, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng 24% và chiếm tỷ trọng 29% tổng doanh thu thị trường.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tuy không phải là nghiệp vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất, nhưng bảo hiểm sức khỏe vẫn là trụ cột, là nghiệp vụ mang lại nguồn doanh thu chính, nhất là trong bối cảnh một trụ cột khác là bảo hiểm xe cơ giới đang tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng hơn 7% trong nửa đầu năm 2018, trong khi con số của cùng kỳ năm 2017 là 13%, còn của cùng kỳ năm 2016 là gần 24%.
Tuy tốc độ tăng trưởng "cài số lùi", nhưng tính chung toàn thị trường phi nhân thọ, bảo hiểm xe cơ giới vẫn là nghiệp vụ có doanh thu phí bảo hiểm gốc cao nhất với hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,5%.
Đứng sau bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới - 2 nghiệp vụ có tỷ trọng đóng góp doanh thu cao nhất của khối bảo hiểm phi nhân thọ, là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14%. Tuy nhiên, nghiệp vụ này chỉ tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2017. Theo các chuyên gia trong ngành, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm và nguồn vốn cung ứng cho đầu tư phát triển hạn chế là các nguyên nhân chính khiến nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại tăng trưởng thấp.
Với bảo hiểm cháy nổ, nghiệp vụ này đạt gần 2.000 tỷ đồng doanh thu sau nửa đầu năm, đứng thứ 4 thị trường, tương đương tỷ trọng trên 8% và tăng trưởng gần 14%. Để duy trì đà tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm, theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, sự thận trọng phải được đặt lên hàng đầu bởi bảo hiểm cháy nổ luôn tiềm ẩn rủi ro cao. Được biết, 6 tháng đầu năm, bảo hiểm cháy nổ có tỷ lệ bồi thường lên tới gần 70% doanh thu phí (đã bao gồm dự phòng bồi thường).
Các nghiệp vụ đạt mức tăng trưởng thấp khác, theo thống kê trên, còn có nghiệp vụ bảo hiểm vận chuyển hàng hóa (tăng trưởng hơn 8%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (tăng trưởng gần 2%, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ trong tương ứng 5-6%).
Riêng với nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, theo các doanh nghiệp, sẽ khó đạt mức tăng trưởng cao trong nửa cuối năm. Chẳng hạn, theo báo cáo của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh, năm 2017, bảo hiểm tàu cá theo Chương trình 67 không hiệu quả, khiến doanh nghiệp lỗ nặng và buộc phải hạn chế khai thác trong năm 2018. Điều này sẽ khiến Bảo Minh giảm doanh thu khoảng 100 tỷ đồng ở phân khúc này.
"Mảng bảo hiểm hàng hải nói chung và nhóm nghiệp vụ thân tàu biển, tàu sông nói riêng trong những năm gần đây không tăng trưởng, kết hợp với việc cạnh tranhchi phí... sẽ là thách thức không nhỏ đối với nghiệp vụ truyền thống này của Bảo Minh trong năm nay", báo cáo của Bảo Minh nêu rõ.
Để phát triển nghiệp vụ hàng hải, Bảo Minh cho biết, Công ty sẽ tiếp tục khai thác các địa bàn trọng điểm, đồng thời tập trung vào sản phẩm bảo hiểm tàu đối với nhóm khách hàng vay vốn phục vụ hoạt động hàng hải của các ngân hàng...