Bảo hiểm xe cơ giới vẫn đóng góp quan trọng cho thị trường châu Á
Đinh Hoài Thu,
Mặc dù đã có hàng tỷ USD đầu tư vào xe tự lái và cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, bao gồm cả mạng lưới tàu điện ngầm và xe lửa, song mong muốn và nhu cầu về ô tô vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong khi Jakarta khai trương tuyến tàu điện ngầm đầu tiên vào tháng 3 thì các dự án tương tự ở các thành phố như Mumbai vẫn còn nhiều năm nữa mới hoàn thành và nhiều thành phố đang khẩn thiết cần được nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, các dự án có thể mất nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ – thường bị chậm trễ – và tốn hàng chục tỷ đô la đầu tư.
Năm 2017,chỉ tính riêng ở Trung Quốc, tổng giá trị thị trường bảo hiểm xe cơ giới đạt khoảng 112 tỷ USD phí bảo hiểm với 235 triệu xe hơi trên đường. Người dân nước này đã mua mới 24 triệu ô tô vào năm 2018. Nhà chế tạo xe hơi khổng lồ General Motors của Mỹ đã bán được 917.000 xe ở châu Á trong ba tháng đầu năm 2019 – hơn rất nhiều so với thị trường Mỹ.
Số lượng ô tô ở Đông Nam Á đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ có thêm 30 triệu chiếc vào năm 2040.
Đã có sự sụt giảm doanh số bán hàng ở một số quốc gia ở châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, tuy nhiên tương lai lâu dài là rất sáng sủa cho ngành – đặc biệt là nếu các công ty xe hơi có thể đáp ứng được công suất và nhu cầu thị trường.
Phí bảo hiểm thu được từ bảo hiểm xe hơi – thường là trung tâm của quy trình lập kế hoạch bảo hiểm cho các sản phẩm và dịch vụ khác liên quan đến xe cơ giới, như telematics, tài chính xe hơi và các sáng kiến sau bán hàng khác.
Mặc dù có những cải tiến về tính năng an toàn và chất lượng đường sá nhưng những rủi ro cố hữu trong việc đi lại bằng xe cơ giới sẽ luôn tồn tại – một sự mất tập trung trong chốc lát có thể dẫn đến tử vong, thương tích, hư hại xe, mất năng suất, phạt tiền và tranh chấp khiếu nại.
Trong khi đó, những thách thức tương tự về gia tăng khiếu nại bồi thường, cạnh tranh, chi tiêu cho quảng cáo và tỷ lệ phí bảo hiểm cũng sẽ khiến các công ty bảo hiểm phải luôn trong tư thế sẵn sàng.
Với thực trạng có rất nhiều xe hơi vận hành trên đường ở châu Á, bất cứ lúc nào, các công ty bảo hiểm đều ở tuyến đầu đối phó với những hậu quả không mong muốn như: thanh toán cho hóa đơn bệnh viện, trợ cấp cho gia đình, sửa chữa ô tô, thuê xe, v.v.
Thời tiết bất lợi cũng là nguyên nhân thường xuyên gây ra tai nạn vì bão đến bất ngờ trong khu vực và các con đường thường không đủ tốt để đối phó.
Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất xe điện không tăng trưởng nhanh như mong đợi của nhiều người. Vì vậy, với số tiền đầu tư vào hoạt động này cho thấy các nhà chế tạo đang có một thập kỷ đầy triển vọng trước mắt.
Những thách thức vẫn còn đó – ví dụ như kế hoạch của chính phủ Hồng Kông điện hóa tất cả taxi vào năm 2019 từ lâu đã bị trì hoãn vô thời hạn do những vấn đề về thời gian sạc, sức chịu đựng của tài xế taxi và vấn đề với nhà cung cấp BYD để đảm bảo hiệu quả về chi phí.
Singapore đã có những vấn đề tương tự khi áp dụng ô tô điện. Điều này cho thấy, ngay cả ở các quốc gia được kế hoạch hóa tập trung và vận hành tốt thì vẫn rất khó để chuyển đổi thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực đang có thành công lớn hơn với đội xe buýt ở Thâm Quyến đã chạy điện. Mỏ lithium mới được phát hiện có trữ lượng lớn ở tỉnh Vân Nam có thể sẽ giúp thúc đẩy chương trình này.
Nếu cuối cùng xe tự lái tràn ngập các nẻo đường của Châu Á thì cơ hội cho các công ty bảo hiểm sẽ là bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm và bảo vệ an ninh mạng. Tuy nhiên hiện nay, các phương tiện cơ giới truyền thống vẫn đangthống trị giao thông trong khu vực này.