Cần có hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi say rượu lái xe
Đinh Hoài Thu,
Trong những ngày vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của những người vô tội, khiến nhiều gia đình ly tán liên quan đến việc tài xế sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Rượu bia là nguyên nhân chính của nhiều vụ tai nạn thương tâm
Vào lúc 0h10 ngày 01/05/2019, sau buổi họp lớp, nam tài xế điều khiển chiếc xe Mercedes GLA 250 màu trắng đã tông tử vong 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên, Hà Nội. Cũng tại Hà Nội vào đêm 22/04/2019, một chiếc “xe điên” đã gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng, gây ra cái chết thương tâm cho nữ công nhân vệ sinh. Vài tuần trước đó, đám tang của cụ ông trên đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn (Bình Định) bỗng chốc biến thành đại tang cho cả xóm khi một tài xế đạp nhầm chân ga, tông thẳng vào đội đưa tang làm bốn người chết, sáu người bị thương nặng.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chỉ ra rằng, trung bình cứ 10 vụ tai nạn giao thông xảy ra thì có đến 4 vụ liên quan đến tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích (driving under the influence – DUI). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ước tính tỷ lệ tử vong do DUI tại Việt Nam hiện nay là 26,4 trên 100.000 người.
Luật cả nể tài xế say xỉn
Ở Việt Nam, văn hóa “rượu – bia” làm đầu câu chuyện vẫn ăn sâu vào lối sống, nếp sinh hoạt của người dân như một phần không thể thiếu. Thực trạng này đáng phải lên án khi mà ngày càng có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do DUI, để lại hậu quả đau lòng cho cả người vi phạm cũng như nạn nhân và gia đình của họ. Cứ sau một vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn, dư luận lại dậy sóng, lên án, yêu cầu xử nghiêm tài xế gây thương vong. Tuy nhiên sau đó mọi chuyện lại chìm dần, chính những người từng lên tiếng mạnh mẽ nhất cũng lại cầm lái sau khi đã uống vài ly.
Việc xử lý ở Việt Nam dường như chỉ dừng lại ở việc “thổi - bắt”. Mức xử lý chưa nghiêm, việc xử lý không quyết liệt khi chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính từ 2 triệu đến tối đa 18 triệu đồng, và bị tước giấy phép lái xe trong 6 tháng. Nếu so sánh với các quốc gia khác thì cách xử lý của Việt Nam còn khá mềm mỏng.
Ví dụ, DUI bị coi là một tội hình sự ở Anh, bất chấp việc hành vi này có gây ra thiệt hại hay không. Nếu bị kết tội liên quan đến các hành vi lái xe uống rượu, tài xế sẽ khó có cơ hội được nhập cảnh vào các quốc gia khác ở châu Âu hoặc Mỹ. Một số bang của Mỹ cũng có quy định hình sự hóa hành vi này.
Hay như ở Nhật Bản và HànQuốc – những nước có thói quen uống bia rượu sau giờ làm như Việt Nam – chỉ cần vượt giới hạn nồng độ cồn cho phép, tài xế sẽ phải đối diện với mức phạt tù. Cụ thể, ở Hàn, khi nồng độ cồn vượt mức 0.05mg/lít khí thở, tài xế sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm cộng mức phạt lên tới 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng). Ở Nhật, chỉ cần tài xế có nồng độ cồn vượt mức quy định, dù không gây tai nạn chết người cũng sẽ phải đối mặt với ít nhất 15 năm tù. Còn nếu có thiệt hại về người thì mức án thấp nhất là 20 năm.
Mặc dù trong thực tế, mức phạt ở Việt Nam cho hành vi DUI vẫn còn nhẹ, nhưng sự nghiêm trọng của các vụ tai nạn xảy ra do tài xế điều khiển phương tiện khi đang say rượu đã làm dấy lên những cuộc tranh luận trong dân chúng. Đã có rất nhiều phương án xử lý được đề nghị lên Quốc hội như nâng mức xử phạt lên 40 triệu đồng, tước bằng lái 2 năm, hình sự hóa hành vi DUI hay yêu cầu lao động công ích. Thậm chí, rất nhiều người dân đã thay avatar trên mạng xã hội để truyền đi thông điệp “say xỉn lái xe chính là tội ác”. Đây chính là những động thái tích cực cho thấy chính phủ và nhân dân đang quyết tâm loại bỏ hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia.
Lái xe khi say xỉn, tài xế nhận được gì?
Trên thế giới, lái xe trong trạng thái say xỉn, tài xế không chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối chi trả bồi thường khi xảy ra tai nạn.
Ở Việt Nam, lái xe gây tai nạn khi say rượu sẽ không được hưởng chế độ ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp bảo hiểm đưa DUI vào danh sách không chi trả bồi thường như PTI. Theo đó, PTI không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài xế lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở, trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác bị cấm theo quy định của pháp luật. Với việc đưa DUI vào danh sách những điểm loại trừ, có thể thấy công ty bảo hiểm Top 2 bảo hiểm xe cơ giới cũng đánh giá đây là hành vi nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu cho cộng đồng.
Trong bối cảnh mà hành vi DUI trở nên phổ biến một phần vì dễ dãi, có phần cổ vũ của cộng đồng đối với việc sử dụng bia rượu và điều khiển phương tiện khi say rượu, Chính phủ cần đưa ra một đạo luật nghiêm khắc để tác động thay đổi nhận thức, chấn chỉnh đạo đức cũng như tạo sức ép từ cộng đồng đối với hành vi này. Đạo luật này đồng thời cũng trở thành phao cứu sinh cho rất nhiều tài xế trước sự ép buộc trên bàn nhậu bởi trong đa số trường hợp DUI, nạn nhân chính là người tài xế đó.
TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN BẢO HIỂM BƯU ĐIỆN - PTI