Triển vọng tích cực của bảo hiểm sức khỏe Việt Nam trong năm 2021

Nhu cầu được chăm sóc sức khỏe luôn được ưu tiên hàng đầu trong mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Nhu cầu đó càng được nâng cao khi thu nhập ngày càng được cải thiện. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Tầng lớp trung lưu đang hình thành – hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Sự gia tăng nhanh chóng dân số gia nhập tầng lớp trung lưu với sự nhận thức của nhân dân về bảo hiểm ngày càng gia tăng là nhân tố tích cực tác động đến nhu cầu bảo hiểm sức khỏe. Dự báo bảo hiểm sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe hiện nay đang được triển khai đồng thời trong cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, bao gồm các loại nghiệp vụ: bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm chi phí y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.

Theo số liệu của hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cập nhật đến 30.10.2020, tính đến hết tháng 9 năm 2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.969 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5.7%, bồi thường 13.996 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 34% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt 12.709 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 31%, tăng trưởng 3%, bồi thường 3.781 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 30% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Đối với bảo hiểm nhân thọ, Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 09 tháng đầu năm 2020 đạt 89.914 tỷ đồng. sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0.05%. Bảo hiểm sức khỏe được khai thác theo dòng bảo hiểm nhân thọ chiếm tỷ trọng nhỏ một phần do trước ngày 01/11/2019, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chỉ được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp dưới dạng quyền lợi bảo hiểm bổ trợ đính kèm với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Nghị định 73/2016/NÐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2019 và Nghị định 80/2019/NÐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/11/2019, đã mở đường cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phát triển sang mảng bảo hiểm sức khoẻ để phục vụ tốt hơn nhu cầu bảo hiểm thiết yếu của người dân. Kỳ vọng trong thời gian tới, bảo hiểm sức khỏe sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ sự bổ sung của 02 văn bản trên.

Nắm bắt được xu thế phát triển tích cực của thị trường bảo hiểm sức khỏe, hầu hết công ty bảo hiểm đều có những chiến lược mới trong phân khúc bảo hiểm sức khỏe. Nhiều chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đa dạng, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh/điều trị của người dân được đưa ra thị trường với phạm vi bảo hiểm được mở rộng, hệ thống bệnh viện, trung tâm, cơ sở khám chữa bệnh bảo lãnh viện phí được mở rộng, xử lý bồi thường cho khách hàng nhanh chóng và thuận tiện hơn. Nhiều sản phẩm bảo hiểm sức khỏe giúp người tham gia bảo hiểm được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến trên thế giới.

Các doanh nghiệp bảo hiểm tích cực đẩy mạnh kênh phân phối bảo hiểm sức khỏe. Bên cạnh phát triển kênh phân phối truyền thống như đại lý độc quyền, đào tạo tuyển dụng nhân viên khai thác bảo hiểm sức khỏe thì kênh phân phối qua đại lý tổ chức không độc quyền và kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng được sử dụng khá hiệu quả. Các công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng để phân phối sản phẩm bảo hiểm đã tận dụng được mạng lưới phân phối và cơ sở khách hàng lớn. Kênh này không chỉ giúp đưa sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đến tay người tiêu dùng mà tận dụng được dữ liệu khách hàng để phục vụ nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và quản lý rủi ro. Theo bà PhạmThị Tố Tâm, chuyên gia kinh tế tài chính, Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đang dần trở thành kênh phân phối quan trọng. Doanh thu qua kênh Bancassurance đã tăng từ 5% trong năm 2012 lên khoảng 10% hiện nay.

Kênh đại lý tổ chức không độc quyền là xu hướng mới trong hoạt động phân phối bảo hiểm sức khỏe. Đây là Mô hình hợp tác của đại lý với nhiều công ty bảo hiểm, có thể tư vấn và phân phối nhiều loại sản phẩm bảo hiểm khác nhau, gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khi được sự đồng ý từ các doanh nghiệp bảo hiểm này. Điều này có nghĩa là khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, thay vì cần có nhiều đại lý độc quyền phục vụ cho các nhu cầu bảo hiểm khác nhau từ nhân thọ đến phi nhân thọ thì hiện tại, chỉ cần một đại lý của công ty đại lý tổ chức đã có thể đáp ứng các nhu cầu bảo hiểm của khách hàng.

Thị trường bảo hiểm sức khỏe có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhờ tốc độ phát triển của số hóa. Xu hướng doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý phân phối, các kênh phân phối khác ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh trực tuyến giúp họ tiếp cận được đa dạng đối tượng khách hàng Ví dụ như : đã có sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh Shopee, Tiki…và bắt đầu mang lại hiệu quả nhất định cho các doanh nghiệp bảo hiểm, dù doanh thu chưa cao.

Nhờ công nghệ thông tin, kinh doanh trực tuyến, tương tác, trao đổi của công ty bảo hiểm với khách hàng được nhanh chóng, khách hàng được hưởng nhiều tiện ích thuận tiện, đỡ rườm rà về thủ tục hơn trước, giao dịch bằng giấy và tiền mặt được giảm thiều; hồ sơ yêu cầu bảo hiểm được điền bằng công nghệ 4.0, phần mềm lập bảng minh họa, các kênh thu phí trực tuyến, giải quyết bồi thường trực tuyến nhanh chóng hơn.... Prudential Việt Nam đã ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng kỹ thuật số.  Manulife Việt Nam có giải pháp số hóa quy trình giải quyết bồi thường (eClaims), bảo hiểm VIETTINS BANK phân phối bảo hiểm và giải quyết bồi thường bảo hiểm sức khỏe qua App điện thoại, BẢO VIỆT qua web….

Biểu đồ doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu năm 2020

Không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm, mà cơ quan quản lý ngành này cũng đang nỗ lực số hóa nhằm nâng cao trải nghiệm các doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ số được các cơ quan quản lý sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Từ tháng 11/2019, Bộ Tài chính (Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) đã triển khai thí điểm đối với một số doanh nghiệp bảo hiểm như giải quyết 24 thủ tục hành chính qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Các thủ tục hành chính bao gồm chấp thuận nguyên tắc và cấp giấy phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ, thành lập/thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, bổ nhiệm, thay đổi một số chức danh quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm...

Tóm lại, thời gian tới là thời điểm “VÀNG” để bảo hiểm sức khỏe phát triển bứt phá. Bên cạnh yếu tố thuận lợi môi trường pháp lý, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, các yếu tố công nghệ, định hướng chiến lược của các doanh nghiệp trong việc ưu tiên phát triển loại hình bảo hiểm này và nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác đã tạo cú hích cho bảo hiểm sức khỏe lên ngôi.

Tuy nhiên, để phân khúc bảo hiểm sức khỏe phát triển tốt hơn, hạn chế rủi ro, theo nhiều chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có các giải pháp để phát triển sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tối ưu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, cần phải có sự nghiên cứu tổng thể nhiều yếu tố trong nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển loại sản phẩm này như hệ thống pháp lý thống nhât, gia tăng điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc y tế trong xã hội, cải thiện tình hình sức khỏe chung trong dân số.

Theo VINARE