Phi nhân thọ: Chưa triệt tiêu việc hạ phí phi kỹ thuật
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Thời gian qua, đã có thêm nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được hoàn thiện, góp phần đưa bảo hiểm phi nhân thọ phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Dù vậy, tình trạng hạ phí phi kỹ thuật chưa được triệt tiêu.
Một trong những quy định mới đã được áp dụng là Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về cháy nổ bắt buộc đã giúp cho nhóm sản phẩm bảo hiểm tài sản của các công ty bảo hiểm kinh doanh hiệu quả hơn, không còn tình trạng giảm phí vì áp lực cạnh tranh và tỷ lệ tham gia bảo hiểm của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất… tăng lên đáng kể.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, có một số thay đổi cơ bản khi áp dụng Nghị định 23/2018 so với quy định trước đây tại Thông tư 220/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Thứ nhất, mức phí sàn của đa phần ngành nghề đã được điều chỉnh tăng lên, trong đó tập trung vào các ngành nghề có độ rủi ro cao như nhà máy sản xuất, kho bãi..., đồng thời không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm giảm 20% trên mức phí sàn như trước đây.
Thứ hai, Nghị định 23 bắt buộc các doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho toàn bộ tài sản, bao gồm khung nhà, máy móc và hàng hóa (Thông tư 220/2010 cho phép mua một phần, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp mua sản phẩm có mức phí rẻ nhất là bảo hiểm khung nhà nhằm đối phó với cơ quan chức năng).
Đối với nhóm sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, việc đăng ký sản phẩm và biểu phí thuần góp phần làm giảm tình trạng giảm phí quá sâu, phi kỹ thuật dưới sự giám sát từ phía Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Đồng thời, việc áp dụng mức khấu trừ 500.000 đồng cho mọi vụ tổn thất cũng góp phần làm giảm tỷ lệ bồi thường - vốn đang ở mức rất cao tại các công ty bảo hiểm. Thực tế, chi phí bồi thường ở nghiệp vụ này đã ước giảm từ 3-5%.
“Với bảo hiểm xe cơ giới, những quy định mới khiến các doanh nghiệp hạn chế việc hạ phí để cạnh tranh so với trước đây, nhưng thực tế chưa thể triệt tiêu hoàn toàn tình trạng này vì một số doanh nghiệp vẫn tìm cách lách luật, hạ phí để có khách hàng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thông tin.
Ngoài ra, Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng chặt chẽ hơn, đồng thời tăng mức xử phạt một số trường hợp vi phạm. Một trong những hoạt động được siết lại là việc định phí sản phẩm. Để đảm bảo tuân thủ quy định mới, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã thuê các chuyên gia định phí uy tín, hoặc đẩy mạnh việc đào tạo, tuyển dụng nhân sự định phí của mình.
Có thể thấy, chế tài xử phạt theo Nghị định 48/2018 buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải nâng cao công tác quản lý và điều hành nhằm đảm bảo tính tuân thủ, qua đó từng bước góp phần minh bạch hóa thị trường bảo hiểm.
Được biết, tại hội nghị các CEO phi nhân thọ tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm tăng cường công tác kiểm tra tính tuân thủ của các công ty bảo hiểm theo Nghị định 23/2018 về quy tắc và biểu phí đã đăng ký với Bộ Tài chính nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh và hiệu quả. Bởi trên thực tế, vẫn còn tồn tại những trường hợp bán sai phí bắt buộc (cháy nổ bắt buộc), bán thấp hơn phí thuần (vật chất xe) vì mục tiêu doanh thu. Hành vi này không chỉ đẩy thị trường vào tình trạng thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả, mà còn gây thiệt hại cho chính khách hàng.
"Các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là các công ty thuộc Top đầu, cần tuân thủ nghiêm các quy định để định hướng thị trường, cùng hướng đến một thị trường bảo hiểm lành mạnh, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ...", một CEO bảo hiểm nói.
Ngoài ra, nhiều CEO còn đề nghị cơ quan quản lý bỏ những quy định liên quan đến giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc để các công ty bảo hiểm có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cấp đơn, tạo sự thuận lợi cho việc triển khai, tăng tỷ lệ tham giavà giảm thiểu được các chi phí kinh doanh.
Hiện tại, theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải in ra "bản cứng" cho khách hàng. Điều này làm tăng chi phí (in ấn và vận chuyển) của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị thay đổi quy định để có thể thay bản chứng nhận giấy bằng bản chứng nhận điện tử nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và khách hàng.