Nỗ lực chinh phục thị trường bảo hiểm Lào và Campuchia
Nguyễn Vũ Hải Hà,
Mở rộng ra thị trường hải ngoại với nhiều sản phẩm và phân khúc mới là một trong những chiến lược quan trọng mà các hãng bảo hiểm đến từ Việt Nam đang rốt ráo thực hiện, trong đó Lào và Campuchia là 2 quốc gia được hướng đến.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số hãng bảo hiểm Việt Nam có chi nhánh hoạt động tại Lào và Campuchia cho biết, thị trường bảo hiểm Lào có phần "màu mỡ" hơn so với Campuchia. Các liên doanh bảo hiểm Việt - Lào đã gặt hái được những thành công nhất định, với vị trí thứ 2 và 3 về thị phần.
Với 80% doanh thu đến từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, ông Đỗ Đăng Khang - Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm đại chúng Lanexang cho biết, tập trung vào bán lẻ là chiến lược phát triển chính của Lanexang tại thị trường Lào. Chiến lược này không chỉ giúp Lanexang khai thác tối đa tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm Lào, mà còn tận dụng được thế mạnh của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - cổ đông hiện đang nắm giữ 50% cổ phần của Lanexang.
Cũng như ở thị trường Việt Nam, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới tại Lào là nghiệp vụ dễ bán và đem lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Chính vì vậy, phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm tại Lào đều dành các nguồn lực để cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam vốn thường cạnh tranh bằng cách giảm phí, mở rộng điều khoản hợp đồng..., thì các doanh nghiệp bảo hiểm Lào thường hợp tác với nhau để đưa ra gói sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho khách hàng.
Lào hiện có 24 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó AGL -liên doanh bảo hiểm Pháp và Lào - chiếm thị phần cao nhất. Đứng thứ 2 là Bảo hiểm Lào Việt (LVI) - một liên doanh giữa Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) cùng Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LVB). LVI cũng là một trong những công ty có tỷ suất sinh lời cao nhất thị trường bảo hiểm Lào.
Bảo hiểm Lanexang nắm giữ vị trí thứ 3 về thị phần và là doanh nghiệp bảo hiểm số 2 về sản phẩm bán lẻ. Năm 2018, Lanexang đạt doanh thu 10 triệu USD, tăng 20% so với năm 2017 và vượt 10% kế hoạch đề ra.
Nhận định về tiềm năng của thị trường Lào, theo ông Khang, trong thời gian tới, thị trường này sẽ rất sôi động, không chỉ ở mảng bán lẻ như bảo hiểm xe cơ giới, mà các nghiệp vụ tài sản kỹ thuật cũng sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ vào nguồn vốn đầu tư, xây dựng của các công ty nước ngoài.
"Chính vì thế, ngoài việc tập trung vào bán lẻ, Bảo hiểm Lanexang sẽ đẩy mạnh các sản phẩm bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm bảo an tín dụng thông qua các ngân hàng…", ông Khang cho hay.
Tìm hướng phát triển mới để tạo ra những bước tăng trưởng đột phá tại các thị trường hải ngoại là chiến lược quan trọng của BIC trong năm 2019. Với thị trường Lào đang cạnh tranh ngày một gay gắt, ngoài việc giữ vững được thị phần, LVI sẽ có những chiến lược để tiếp tục mở rộng tiếp cận với khách hàng ở những phân khúc mới.
Cùng với những kết quả tích cực tại thị trường trong nước, hoạt động kinh doanh tại hải ngoại của BIC năm 2018 cũng đạt được những kết quả khả quan, khi LVI đạt hơn 13 triệu USD doanh thu phí bảo hiểm, hoàn thành trên 100% kế hoạch năm.
Tại thị trường Campuchia, Công ty Bảo hiểm Campuchia - Việt Nam (CVI) hoạt động khá thành công với vị trí thứ 4 về thị phần. Theo đại diện BIC, trong thời gian tới, BIC sẽ hoàn thiện các thủ tục để nhận chuyển nhượng 51% vốn tại CVI từ Công ty Đầu tư và phát triển Campuchia (IDCC), qua đó đưa CVI thành công ty con của BIC.
Ngoài CVI, thị trường bảo hiểm Camphuchia còn có sự tham gia của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH). Đây cũng là doanh nghiệp đang hoạt động tại Lào, cùng với 2 liên doanh của BIC và PTI.
Theo các doanh nghiệp, so với Lào, thị trường Campuchia khó phát triển hơn do tính bản địa cao. Hiện các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gay gắt với các doanh nghiệp bảo hiểm nội địa. Bởi vậy, dù đã lên kế hoạch "tiến quân" sangthị trường này, nhưng đến nay nhiều hãng bảo hiểm Việt vẫn chưa có thêm động thái mới, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu thị trường.